Trà Vinh 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

         Những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Nhờ đó chương trình đã thu được nhiều kết quả tốt, với những bài học kinh nghiệm hiệu quả.

         Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới.

         Khi bắt tay vào tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là tỉnh còn nhiều khó khăn, với điểm xuất phát tương đối, việc huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển dịch kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh để đạt các tiêu chí theo quy định đối với một số xã là nhiệm vụ khá khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều...Mức thu nhập bình quân đầu người thấp chỉ đạt 10,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, vì vậy việc huy động sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp cho thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không có sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có sức cạnh tranh lớn.

Lễ công bố huyện Cầu Kè đón nhận bằng công nhận huyện nông thôn mới

 

         Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Tỉnh uỷ Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 4/10/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn  2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản  đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 – 2020 có tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của Chương trình. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt quan tâm, thực hiện kiên trì, bền bỉ đã tạo sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của đại đa số người dân và cán bộ về xây dựng nông thôn mới, thống nhất cách làm tạo sự đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Từ đó, giúp người dân ngày càng hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, từng bước xác định được vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tấm gương vì cộng đồng hiến đất làm đường, đóng góp tiền của để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục để đội ngũ cán bộ đảng viên, và đặc biệt là các tầng lớp, nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo tinh thần" dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”; tránh tư tưởng chủ quan nóng vội, không trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, không chạy theo thành tích. Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi đôi với đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay Trà Vinh đã có đã có 03/9 đơn vị cấp huyện (Tiểu Cần, Cầu Kè và Thị xã Duyên Hải) được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 65/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,5%, có 02/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

          Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, khang trang, văn minh hơn; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét. 

Người dân khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long tham gia ra quân làm sạch môi trường ở nông thôn.

 

           Những kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010 – 2019.

         Để có được những kết quả đáng ghi nhận trên, sau 10 năm thực hiện Chương trình tỉnh đã có được những kinh nghiệm cần thiết để duy trì kết quả đạt được của chương trình, đó là:

         Một là, để thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công, vấn đề là nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với toàn thể nhân dân, trong đó xác định cho được người dân là chủ thể xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Phân ra những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào nhà nước hỗ trợ để triển khai đồng bộ và có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới; huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực đầu tư cho chương trình.

         Hai là, việc xây dựng quy hoạch là phải thực hiện trước, trên cơ sở sự đồng thuận của các cấp chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân, quy hoạch nông thôn mới được duyệt được công khai, quản lý và thực hiện định kỳ có rà soát điều chỉnh cho phù hợp.

         Ba là, tạo được bộ máy các cấp và có những cán bộ nhiệt tình, tâm quyết, cập nhật thường xuyên, đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và địa phương.

         Bốn là, công tác tuyên truyền cần làm một cách kiên trì, thường xuyên, tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin cao để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân, để người dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới thì nội lực của cộng đồng tại từng địa phương luôn là cốt lõi, có như vậy xây dựng nông thôn mới sẽ đạt kết quả tốt hơn.

         Năm là, ưu tiên triển khai xây dựng những công trình, dự án mang tính đột phá như: đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, môi trường… đó là những công việc, mô hình dân thấy rõ nét, nổi bật và hiệu quả đích thực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

         Sáu là, phải huy động được sức dân, người dân phải làm chủ và tham gia xây dựng nông thôn mới, phải xác định cho đúng mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân, không phô trương, hình thức, chú ý nội dung, chất lượng.

         Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh xác định tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ; mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phục vụ cho nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân, do đó người dân phải thực sự là chủ thể.

 

Nguyễn Thị Mỹ Hương

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới