Cảng cá Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh từ quá trình hình thành và phát triển đến Quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

         Trà Vinh là một tỉnh ven biển, ở phía Đông nam Đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển 65 km, nơi cuối nguồn của dòng sông Mê Kông, nằm giữa 2 nhánh sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu, thông với biển Đông qua 2 cửa sông Cung Hầu và Định An; tỉnh Trà Vinh có địa thế rất quan trọng về kinh tế và quốc phòng - an ninh, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, có luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thuộc địa bàn huyện Duyên Hải, có Cảng cá Định An, huyện Trà Cú, .v.v. Vùng biển Trà Vinh rộng 45.536 hải lý vuông, nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng với nhiều loại có giá trị kinh tế cao tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản. Nghề cá của tỉnh có bước phát triển khá ổn định và toàn diện cả trong đất liền, ven biển và trên biển với các mặt khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó dịch vụ hậu cần nghề cá đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản, một trong những cơ sở hạ tầng nghề cá thiết yếu phục vụ cho khai thác thủy sản là các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáng kể nhất có công trình Cảng cá Định An, tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Khu neo đậu tàu thuyền Cảng cá Định An

         Xuất phát từ làng cá, bến cá tự phát của nhân dân thuộc ấp Chợ, xã Định An (nay là thị trấn Định An), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, được Nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 2006 với tên gọi là Bến cá Định An, năm 2010 được nâng cấp mở rộng thành Cảng cá Định An với diện tích hơn 20.000 m2, hàng năm phục vụ cung cấp dịch vụ hậu cần cho trên 1.000 lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh cập cảng. Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương, sự nổ lực cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh, Cảng cá Định An đã không ngừng phát triển, xứng đáng là trung tâm nghề cá của tỉnh Trà Vinh và khu vực. Tuy nhiên, từ khi luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu đưa vào khai thác (năm 2016) đến nay, mật độ tàu thuyền cập cảng cá ngày càng nhiều, cá biệt có thời điểm lên đến 200 tàu/ngày, kéo theo nhu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền của ngư dân tăng, song song đó yêu cầu, điều kiện ngày càng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản khai thác, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, kiểm soát chống khai thác IUU và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, .v.v. phải được thực hiện tốt hơn, làm cho Cảng cá Định An ngày càng trở nên quá tải, hệ thống cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu phát triển của các đội tàu cá; cùng với cơ sở hạ tầng tại cảng cá, luồng lạch, bến bãi đã xuống cấp do thiếu kinh phí nên không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động tại cảng.

         Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Cảng cá Định An đến nay cũng chỉ dừng lại ở quy mô cảng loại II, với sức chứa khu nước của cảng chỉ khoảng 100 tàu, hiện nay tuyến luồng vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn, tàu có công suất lớn phải chờ thủy triều lên cao mới vào được cảng, khi có bão hay áp thấp nhiệt đới xảy ra, việc các tàu thuyền vào neo đậu tránh trú trên luồng gặp không ít khó khăn và không đảm bảo an toàn. Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng cá Định An được quy hoạch trở thành cảng cá loại I, trong hệ thống cảng cá quốc gia. Trước thực trạng như đã đề cập, cùng với định hướng quy hoạch của Trung ương, việc sớm đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng cá Định An kết hợp làm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là mục tiêu quan trọng của ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung.

         Để giải quyết các vấn đề trên, ngày 15 tháng 10 năm 2020 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 3487/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng cá Định An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Định An, huyện Trà Cú.

         - Mục tiêu của dự án là mở rộng khu vực cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá trong khu vực với yêu cầu công trình được đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngư dân và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Trà Vinh.

         - Quy mô đầu tư của dự án có 05 phần chính, gồm: Phần mở rộng cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão; phá dỡ và xây dựng cầu Cá Lóc; nạo vét luồng hiện hữu vào cảng cá; phần cải tạo, sửa chữa cảng cá cũ và bồi hoàn, giải phóng mặt bằng. Công trình thuộc nhóm dự án nhóm B. Tổng mức đầu tư của dự án là 292.904.000.000 đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương là 264.000.000.000 đồng, nguồn vốn địa phương là 28.904.000.000 đồng. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Hình thức đầu tư là cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới.

Hướng mở rộng Cảng cá Định An

         Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Định An, huyện Trà Cú không chỉ là tín hiệu vui cho bà con ngư dân Trà Vinh và khu vực, mà còn là tín hiệu lạc quan cho ngành thủy sản tỉnh nhà trong quá trình hội nhập và phát triển; sau khi dự án được hoàn thành Cảng cá Định An sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cảng cá loại I, với năng lực tiếp nhận 120 lượt tàu có công suất 800 cv mỗi ngày, sản lượng thủy sản qua cảng đạt 25.000 tấn/năm, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có thể đáp ứng cho 500 tàu công suất 600 cv, thỏa mãn nhu cầu phục vụ khai thác xa bờ, đảm bảo cung cấp tốt dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân và doanh nghiệp, sẽ là cầu nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh trong khu vực, đồng thời giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nghề cá, hạn chế rủi ro đối với nghề đánh bắt hải sản, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, giảm áp lực lên cảng hiện hữu, tăng hiệu quả đầu tư công và khai thác, sử dụng cảng; qua đó hình thành nên một trung tâm nghề cá lớn của tỉnh và khu vực, tạo thêm nguồn lực cơ sở vật chất cho ngành thủy sản địa phương, thúc đẩy gia tăng tổng sản lượng thủy sản khai thác và giá trị ngành hàng thủy sản của tỉnh nhà, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Có tác dụng kích thích, cải thiện môi trường kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực phát triển nhanh hơn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, phù hợp với định hướng phát triển Vùng kinh tế biển và Quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Trà Vinh.

Trần Văn Sang

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới