Cần linh hoạt khi áp dụng hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò của Cục Chăn nuôi

         Vỗ béo bò đã được người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng từ lâu. Vỗ béo bò là cung cấp các điều kiện tối ưu về nuôi dưỡng, chăm sóc để bò khi giết thịt cho khối lượng, chất lượng thịt cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhằm gia tăng hiệu quả chăn nuôi[[i]]. Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương thức vỗ béo, thức ăn, giống, độ béo (mập) của bò. Ngoài ra, vỗ béo bò còn để phục hồi thể trạng cho bò cái sinh sản, giúp bò sớm lên giống, tăng khả năng sinh sản. Có thể vỗ béo bê sau cai sữa, bò gần bán thịt hoặc vỗ béo bò gầy ốm. Nhưng, nếu đã xác định lợi nhuận từ vỗ béo bò là nguồn thu nhập chính thì không nên vỗ béo bò quá già vì bò tiêu hóa kém, khó tăng trọng. Hoặc không tiến hành vỗ béo bò khi giá không thuận lợi. Đồng thời, cần chú ý chọn giống bò khi đưa vào vỗ béo, thông thường bò ngoại và bò lai 50% máu bò thịt ôn đới sẽ cho mức tăng trọng/ngày (g) cao hơn các giống bò còn lại[i].

 

Bê Droughmaster lai tại Trà Vinh

 

         Việc vỗ béo bò khá đơn giản không tốn nhiều công chăm sóc, không tiêu tốn nhiều thức ăn, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, về quy trình kỹ thuật, quản lý vỗ béo bò thời gian qua đều tự phát, chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, ngày 23/9/2020, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành Quyết định số 294/QĐ-CN-MTCN hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò trước khi giết thịt.

         Nội dung hướng dẫn theo Quyết định số 294/QĐ-CN-MTCN bao gồm: quản lý (quản lý bò đưa vào vỗ béo, quản lý bò trong thời gian vỗ béo), nuôi dưỡng (tiêu chuẩn ăn, loại thức ăn, khẩu phần ăn), chuồng trại và quản lý chất thải, vệ sinh thú y, thời gian vỗ béo. Các phụ lục kèm theo cung cấp cho người chăn nuôi bò biết về Nhu cầu Năng lượng trao đổi (ME) và Protein thô cho bò thịt (theo từng khối lượng cơ thể bò); Tiêu chuẩn ăn dùng cho bò nhiệt đới (do Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới); Thành phần dinh dưỡng khuyến cáo cho khẩu phần ăn hoàn chỉnh vỗ béo bò; Các công thức thức ăn tinh hỗn hợp khuyến cáo; Phương pháp phối trộn thức ăn thủ công tại gia đình; (và) Bảng thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng thức ăn cho gia súc nhai lại. Từ đó, giúp phối hợp khẩu phần thức ăn vỗ béo bò một cách tối ưu nhất với những loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

         Tuy vậy, Quyết định số 294/QĐ-CN-MTCN sẽ khó áp dụng trên địa bàn tỉnh nếu người chăn nuôi không có sự linh hoạt trong việc vận dụng. Cụ thể, về Các công thức thức ăn tinh hỗn hợp khuyến cáo, hầu hết các nguyên liệu phối hợp đều không phổ biến tại tỉnh, như: Sắn lát (khoai mì), bột ngô (bột bắp), khô đầu lạc (khô dầu phộng) và ngay cả rỉ mật (đường), hiện nay cũng không phải dễ tìm do diện tích trồng mía ngày càng bị thu hẹp (xem Bảng 1).

Bảng 1. Các công thức thức ăn tinh hỗn hợp khuyến cáo

Nguyên liệu

(%)

Công thức

CT1

CT2

CT3

CT4

Sắn lát (khoai mì)

40

80

50

60

Bột ngô (bột bắp)

10

-

10

25

Đậu tương (đậu nành)

-

12,5

-

7,5

Khô dầu lạc (khô dầu phộng)

18

-

18

-

Rỉ mật (rỉ mật đường)

30

5

20

5

Premix khoáng

1

1,5

1

1,5

Muối ăn

1

1

1

1

Cộng

100

100

100

100

(Nguồn: Phụ lục kèm theo Quyết định số 294/QĐ-CN-MTCN)

         Ngoài ra, mặc dù tỉnh có đàn bò nhiều thứ hai ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 181.706 con, chỉ sau tỉnh Bến Tre có 210.076 con (channuoivietnam.com/, 2020) nhưng chăn nuôi vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, số lượng bò/hộ không lớn. Phần lớn các hộ nuôi qui mô từ 3-6 con/hộ (Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, 2017), nếu tìm nguyên liệu ngoài tỉnh sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí. Do đó, việc áp dụng Các công thức thức ăn tinh hỗn hợp khuyến cáo chưa thật sự khả thi. Thực tế, người nuôi bò vẫn sử dụng thức ăn hỗn hợp của các công ty sản xuất thức ăn. Nhưng cũng cần lưu ý bò chủ yếu ăn rơm, cỏ, nếu cho ăn nhiều thức ăn tinh bò sẽ dễ bị bệnh. Khi vỗ béo bò cần cân đối Tiêu chuẩn ăn theo hướng dẫn của Quyết định số 294/QĐ-CN-MTCN (gồm: Chất khô ăn vào, nhu cầu ME, nhu cầu Protein, Ca, P) sao cho phù hợp dựa vào thông tin thành phần của thức ăn hỗn hợp có ghi trên bao bì.

         Những năm gần đây, do cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng diễn ra mạnh mẽ, bò không còn nuôi để cày kéo mà được chuyển sang nuôi thịt. Đồng thời, nhu cầu về thịt bò của Việt Nam tăng rất nhanh trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ. Thịt bò (đã) chiếm khoảng 7% trong cơ cấu thực phẩm bữa ăn của người Việt Nam, cụ thể, người Việt Nam tiêu thụ bình quân 3 kg thịt bò/người/năm (thế giới 9 kg thịt bò/người/năm)[[ii]]. Cả nước có trên 6 triệu con bò, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 349,2 nghìn tấn (channuoivietnam.com/, 2020), nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, thì (dự báo) vỗ béo bò (sẽ) đang được tiếp tục đầu tư và phát triển.

         Được biết, trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo “Sổ tay Quy trình vỗ béo bò thịt bằng phụ phẩm nông nghiệp” hướng dẫn chi tiết về vỗ béo bò để người chăn nuôi có thể áp dụng.

Văn Đoái

[[i]] Quyết định số /QĐ-CN-MTCN ngày 23/9/2020 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi ban hành hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò trước khi giết thịt

[[ii]] Duyên Duyên (2019), Trung bình mỗi người Việt ăn 3kg thịt bò, uống 20 lít sữa/năm. http://vneconomy.vn/trung-binh-moi-nguoi-viet-an-3kg-thit-bo-uong-20-lit-sua-nam-20190520170109358.htm, truy cập ngày 25/9/2020

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới