Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa

         Năm 2016, do ảnh hưởng của hạn, mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Sở, ban ngành tỉnh và địa phương tham mưu xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 18/6/2018. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với địa phương tổ chức triển khai thực hiện, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò, trồng dừa, cây ăn trái và chuyển sang nuôi thủy sản để nâng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho nông hộ. Kết quả từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh chuyển đổi được 14.853 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản gồm: Trà Cú 4.839 ha, Châu Thành 2.235 ha, Càng Long 2.018 ha, Cầu Ngang 2.006 ha, Cầu Kè 1.521 ha, Tiểu Cần 1.394 ha, Duyên Hải 486 ha, thành phố Trà Vinh 254 ha và thị xã Duyên Hải 100 ha. Kết quả chuyển đổi cụ thể như sau:

         - Chuyển sang trồng cây hàng năm 7.378 ha, gồm một số loại cây chủ yếu như: rau, củ, quả 3.617 ha, bắp 950 ha, trồng cỏ 998 ha, đậu phộng 513 ha, cây có bột khác 186 ha, lác 60 ha, mía 18 ha, cây khác 1.036 ha. Tập trung nhiều nhất là ở Trà Cú 3.473 ha, Cầu Ngang 1.188 ha, Tiểu Cần 1.069 ha, diện tích còn lại rải rát ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

 

Mô hình trồng dưa lưới tại ấp Rẫy, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang

 

         Nhìn chung, qua đánh giá sơ bộ cho thấy việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn sẽ cho thu nhập từ 39 triệu đến 109 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,22 – 3,5 lần so với trước khi chuyển đổi.

         - Chuyển sang trồng cây lâu năm 3.817 ha (trồng dừa 1.995 ha, cây ăn trái 1.822 ha), gồm một số loại cây ăn trái chủ yếu như cam, bưởi da xanh, xoài, chuối, thanh long ruột đỏ, mít… Tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long 1.529 ha, Cầu Kè 1.292 ha, Tiểu Cần 324 ha, Trà Cú 226 ha, Châu Thành 207 ha, còn lại một số ít trên địa bàn các huyện còn lại và thành phố Trà Vinh. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sẽ cho thu nhập từ 84 triệu đến 235 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho hộ dân. Hiệu quả các mô hình chuyển đổi tăng từ 2,65 – 7,5 lần so với trước khi chuyển đổi.

 

Chuyển sang trồng dừa tại xã Phong Phú, huyện Cầu Kè

 

         - Chuyển sang kết hợp hoặc chuyên nuôi thủy sản 3.658 ha, trong đó, chuyển sang chuyên nuôi thủy sản 3.121 ha. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá lóc. Tập trung nhiều nhất là ở Châu Thành 1.617 ha, Trà Cú 1.140 ha, Cầu Ngang 813 ha, Duyên Hải 72 ha, còn lại một số ít ở thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh và Càng Long. Qua điều tra, đánh giá sơ bộ chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi thủy sản sẽ cho thu nhập từ 87 triệu đến 240 triệu/ha/năm. Như vậy, hiệu quả tăng từ 2,8 đến 7,63 lần so với chuyên trồng lúa.

 

 

Lúa kết hợp thủy sản tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang

 

         Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất lúa ngày càng khó khăn, đồng thời để tiếp tục phát huy hiệu quả từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Sở, ngành tỉnh và địa phương tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 dự kiến chuyển đổi 12.503 ha, (chuyển sang trồng cây hàng năm là 6.911 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 3.562 ha, kết hợp nuôi thủy sản 2.030 ha). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 8.109 ha, cụ thể, năm 2021 chuyển đổi 1.549; năm 2022 chuyển đổi 1.360 ha; năm 2023 chuyển đổi 1.583 ha; năm 2024 chuyển đổi 1.754 ha; năm 2025 chuyển đổi 1.863 ha; định hướng đến năm 2030 dự kiến chuyển đổi 4.394 ha.

         Để thực hiện đạt kế hoạch trên cần tập trung các giải pháp sau:

        - Giải pháp về tuyên truyền, vận động: Tuyên truyền vận động các hộ dân sử dụng đất trồng lúa nằm trong vùng, khu vực chuyển đổi nắm được các chủ trương, chính sách và định hướng phát triển sản xuất của nhà nước; vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất; lấy hiệu quả của việc chuyển đổi sản xuất làm mục tiêu, sản xuất phải theo quy hoạch và đáp ứng yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.

         - Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật: Phổ biến và ứng dụng các giống mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu với sâu bệnh; ứng dụng các quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, tuần hoàn, kết hợp... để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy tối ưu hiệu quả của từng mô hình; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới (công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0) vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

         - Giải pháp tổ chức lại sản xuất: Liên kết giữa các hộ sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ đầu tư, hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, bao tiêu, chế biến sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

         - Triển khai thực hiện các chính sách: Cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có hỗ trợ đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

         - Giải pháp về quản lý nhà nước: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sâu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, thủy sản, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy mô lớn.

         - Giải pháp về nguồn lực: Thực hiện lồng ghép với các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn khác như: Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã,… Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

                                                                    Mỹ Hòa

 Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới