Tình hình bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu

         Thời gian qua, được sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ trong công tác thanh tra, nắm bắt tình hình, phối hợp tốt với địa phương nên vấn nạn bơm tạp chất vào tôm tại tỉnh Trà Vinh không xuất hiện. Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên có hiệu quả cao nhất, cũng như để người dân nhận biết tác hại khi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án.

         Đưa tạp chất vào tôm nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, thay đổi kết cấu tôm... Loại tạp chất thường được sử dụng giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu, ngoài ra còn có Adao (gelatin), tinh bột,… hoặc có thể là hỗn hợp của các chất trên, cũng có trường hợp, người bán lấy tôm nhỏ, giá trị thấp xay nhuyễn để bơm vào tôm lớn có giá trị cao hơn. Theo các tài liệu kỹ thuật, lượng tạp chất tối đa đưa vào tôm có thể lên tới 10%, cá biệt có trường hợp có thể lên tới 20%. Tức là trong 10 kg tôm bơm tạp chất, có thể có tới 2 kg tạp chất.

         Việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính; khi tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng, sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

         Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chống lại các hành vi gian lận thương mại, người tiêu dùng nên nhận biết tôm chứa tạp chất bằng phương pháp cảm quan sau đây:

         - Phần đầu tôm: Bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.

         - Phần thân tôm: Vỏ bụng đốt một hoặc đốt thứ ba (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy. Đốt thứ ba bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.

         - Phần đuôi tôm: Gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.

                       

                                      Phù đầu, dãn đốt                                                   Đuôi xòe nhìn ngang, gai đuôi bị vểnh

  

         Theo Điều 11, nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm:

          a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;

         b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm./.

 

Võ Thanh Hùng - Thanh tra Sở

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới