Hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn từ những công trình thủy lợi đầu tư trên địa bàn 02 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long

         Trà Vinh là tỉnh vùng ven biển, phía Nam giáp với sông Hậu, phía Bắc giáp sông Cổ Chiên, phía Đông giáp với biển Đông là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam mùa khô năm 2019-2020 lượng nước thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp so với trung bình nhiều năm, đây cũng là cơ sở để hạn mặn xâm nhập sớm và sâu hơn vào đất liền trong đó có tỉnh Trà Vinh.

         Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tổng diện tích bị thiệt hại khoảng trên 20.000 ha diện tích lúa chủ yếu là vụ Đông Xuân 2019-2020, so với các tỉnh lân cận đây là con số đáng suy ngẫm cho các  nhà khoa học, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp, các cấp và các địa phương quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh với tình hình thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra vào năm 2016 (trên 29.000 ha) thì đây là tín hiệu đáng mừng đối với tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà.

         Vậy nguyên nhân của những tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp đến từ đâu?

         Trước tiên phải kể đến sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ thông qua các cuộc Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre; Sự quan tâm sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua các văn bản chỉ đạo về lịch tạm ngừng xuống giống, vận hành hợp lý các cống ngăn mặn…; Bên cạnh đó sự phát huy hiệu quả từ những công trình thủy lợi như: Cống Bong Bót, cống Tân Dinh, cống Vũng Liêm và kênh Mây Phốp – Ngã Hậu được đầu tư trên địa bàn 02 tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long mang lại đã đáp ứng mục tiêu dự án đã đề ra là ngăn mặn, dẫn ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng chuyên canh các huyện Vũng Liêm của tỉnh Vĩnh Long và các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh.

         Hiệu quả đầu tiên là Hệ thống 03 cống: Tân Dinh, Bong Bót địa bàn huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh và Vũng Liêm địa bàn huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững (SP- IRSL) được đầu tư từ nguồn vốn ngân hàng thế giới WB9 và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư là 746.046.000.000 đồng, dự án hoàn thành đã góp phần: Kiểm soát chặc chẽ nguồn nước ngọt, phục vụ sản xuất; Đảm bảo cho việc sản xuất phát triển ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho toàn vùng với diện tích 171.626 ha. Dự án đặc biệt có ý nghĩa với một tỉnh nghèo có nhiều đồng bào dân tộc Khme đang sinh sống trong quần thể cộng đồng như Trà Vinh.

Cống Tân Dinh vận hành lấy nước ngọt từ sông Hậu

 

         Hiệu quả kế tiếp phải kể đến là Nạo vét kênh Mây Phốp- Ngã Hậu được đầu tư trên địa bàn huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với tổng mức đầu tư 436.023.000.000 đồng, dự án hoàn thành góp phần: Cung cấp đủ lượng nước tưới bổ sung cho khoảng 30.000 ha diện tích trồng lúa thuộc địa bàn các huyện Càng Long, Châu Thành và Cầu Ngang; tăng cường khả năng tiêu ứng, xổ chua và rửa phèn cho khoảng 160.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh và 7.300 ha thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Phương tiện thi công đang nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu       

 

         Nhìn chung, đây là những công trình rất bức xúc, mang tính cấp bách luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm sâu sát, nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đến nay được đầu tư xây dựng hoàn thành và phát huy hiệu quả. Thành công của tình hình sản xuất vụ mùa Đông Xuân 2019-2020 là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và các yếu tố khách quan đã nêu, một lần nữa cũng phải ghi nhận hiệu quả từ những công trình thủy lợi đã được đầu tư trên địa bàn hai tình Trà Vinh và Vĩnh Long mang lại./.

 

                                                                    Lê Quang Răng

   Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới