Kết quả đánh giá, phân loại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019

         Tính đến nay, toàn tỉnh phát triển được 130 hợp tác xã (HTX) với 8.081 thành viên, tổng vốn điều lệ 84,242 tỷ đồng, tổng diện tích đất tham gia hợp tác sản xuất 2.580 ha.  Trong đó, sản xuất lúa - dịch vụ nông nghiệp 45 HTX, kinh doanh tổng hợp 32 HTX, nuôi trồng và chế biến thủy sản 15 HTX, rau màu 15 HTX, cây ăn trái, dừa, dừa sáp 11 HTX, hoa kiểng 05 HTX, cây mía, lác 02 HTX chăn nuôi 05 HTX.

         Năm 2019, có 90 HTX nông nghiệp có thời gian hoạt động trên 01 năm và đủ điều kiện đánh giá, phân loại theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kết quả đánh giá, phân loại của Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện /Phòng Kinh tế, thị xã, thành phố, có 6 HTX xếp loại tốt (chiếm 7%), 25 HTX xếp loại khá (chiếm 28%), 44 HTX xếp loại trung bình (chiếm 48%) và 15 HTX xếp loại yếu (chiếm 17%). 

Dưa lưới của HTX  nông nghiệp Phú Cần (huyện Tiểu Cần)

         Qua thực hiện khảo sát, đánh giá, phân loại HTX nông nghiệp cho thấy: những HTX xếp loại khá, tốt trong năm qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, phát huy được sức mạnh tập thể, tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, tổ chức tốt liên kết dịch vụ đầu vào và đầu ra sản phẩm cho thành viên. Đối với nhóm xếp trung bình, yếu chủ yếu do HTX mới thành lập, thường có sự thay đổi về nhân sự, sản xuất gặp bất lợi về dịch bệnh (các HTX chăn nuôi), thiên tai hạn mặn (các HTX trồng trọt). Bên cạnh đó, còn tồn tại những yếu tố chủ quan về năng lực của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành (BĐH) còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là chưa thực hiện tốt liên kết đầu ra sản phẩm cho thành viên.

         Từ kết quả đánh giá, phân loại HTX năm 2019, một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới đó là:

          Thứ nhất: Phối hợp với địa phương hỗ trợ HTX củng cố, kiện toàn nhân sự, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị, sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho HĐQT, BĐH HTX.

         Thứ hai, Hướng dẫn HTX tổ chức lại khâu sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; song song đó, huy động các nguồn lực từ Chương trình MTQGXD nông thôn mới, các chính sách ưu đãi để tiếp tục hỗ trợ cho các HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận OCOP  nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị gia tăng cao, hướng tới những thị trường mới, tiềm năng.

         Thứ ba: Phối hợp với địa phương rà soát lại thế mạnh, năng lực cung ứng, thị trường đầu ra và phương thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Để qua đó, phối hợp với sở,ngành liên quan mời gọi doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Trần Duy Phúc

Phòng Kinh tế hợp tác - Chi cục Phát triển nông thôn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới