Tăng cường giải pháp chế biến sâu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản


         Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu khoảng 6,2 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tính chung cả quý, hàng nông lâm, thủy sản đã xuất siêu gần 3 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, xuất khẩu nông lâm, thủy sản sang các thị trường chính có sự thay đổi về thị phần. Theo đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc; thị trường Liên minh Châu Âu (EU); Nhật Bản; các nước Asean… Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. Theo đó tập trung đáp ứng yêu cầu các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Saudi Arabia.

         Theo đó, ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

         Với tinh thần chỉ đạo hành động là tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực và khu vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức đề kháng và khả năng thích ứng với các biến động từ bên ngoài và bên trong, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

         Để đạt được yêu cầu trên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: (1) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (2) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; (3) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (4) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; (5) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh (6) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; (7) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Thực hiện Chỉ thị trên, cụ thể là về đẩy mạnh chế biến hàng nông, lâm, thủy sản nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng như cho phát triển lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc cụ thể với từng ngành hàng gỗ, cá tra, tôm tại các hội nghị trong thời gian tới.

         Riêng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trực thuộc Bộ thì đang thực hiện xây dựng đề án về chế biến sâu nông sản. Chế biến sâu không chỉ là giải pháp chủ động giải quyết nguồn cung dư thừa trong nước tại thời điểm dịch COVID-19 mà về lâu dài, chế biến sâu giúp doanh nghiệp sẽ vượt qua những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu tươi vào các thị trường đối với nông sản. Đặc biệt là khi Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại được ký kết, các dòng thuế cho sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu được giảm về 0%. Để đầu tư vào chế biến hiệu quả trong lâu dài, đáp ứng sản lượng lớn, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế và điều quan trọng là đảm bảo truy xuất nguồn gốc và sản xuất vệ sinh, an toàn thực phẩm để phân phối cả trong nước và quốc tế./.

Biên tập lại: Mộng Hằng

Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

2. https://vtv.vn/kinh-te/bo-nong-nghiep-tang-cuong-giai-phap-che-bien-sau-cac-mat-hang-nong-lam-thuy-san-20200316162100031.htm

3. http://www.chebien.gov.vn/Pages/nong-lam-thuy-san-quy-1-xuat-sieu-tang-gan-50-.aspx

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới