Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I năm 2020

         Những ngày đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nigeria, Đức, Hungary, Ba Lan, Nam Phi, Đài Loan,… Tại Việt Nam, Cúm gia cầm xuất hiện ở tỉnh Quảng Ninh[i], thành phố Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An[ii]. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao. Ở trong nước, do nhiều nguyên nhân khác nhau dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới Corona gây ra.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, trong đó có giải pháp: “Tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 02/2020[iii].

         Nhiều năm qua, tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi thường được thực hiện 2-3 đợt/năm nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường lần này (tháng 02/2020) tập trung tại các vùng trọng điểm[iv] và vùng nguy cơ cao.

Tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi nhốt vịt (ảnh Đỗ Trọng Phao)

 

          Về vùng nguy cơ cao phân theo cấp huyện và được xác định theo hướng dẫn của Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. Cụ thể, huyện nguy cơ cao là: (1) Có từ 02 lần xuất hiện ổ dịch Cúm gia cầm trong 5 năm qua hoặc có ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra tại huyện trong năm đánh giá chuyển đổi huyện nguy cơ; (2) Có từ 02 lần phát hiện vi rút Cúm gia cầm (chủng A/H5N1, A/H5N6) trong 5 năm qua hoặc 02 lần phát hiện vi rút trong năm đánh giá chuyển đổi huyện nguy cơ; (3) Có tổng số hộ chăn nuôi gia cầm, số gia cầm, số hộ nuôi vịt và tổng đàn vịt có số lượng lớn, cụ thể huyện có: Trên 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm, trên 100.000 con gia cầm, trên 100 hộ nuôi vịt, trên 11.000 con vịt[v]. Hằng năm, căn cứ tiêu chí phân vùng huyện nguy cơ nêu trên, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh quyết định việc chuyển đổi giữa các vùng nguy cơ (cao hoặc thấp-NV); lập danh sách các huyện nguy cơ cao, nguy cơ thấp gửi Cục Thú y để theo dõi, giám sát; trường hợp thấy cần thiết, Cục Thú y quyết định việc phân vùng nguy cơ cho phù hợp với tình hình dịch bệnh chung của cả nước. Ngoài ra, căn cứ đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao cần phải vệ sinh, khử trùng, tiêu độc[vi].

         Có 4 nguyên tắc để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đạt hiệu quả cao nhất mà cơ sở chăn nuôi (và các cơ sở hoạt động liên quan về chăn nuôi, thú y) cần phải lưu ý đó là: (1) Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp. (2) Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng, tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh. (3) Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng, tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa). (4) Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích. Trên thực tế, trong 4 nguyên tắc trên, thì nguyên tắc thứ (3) thường ít được cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt, vì vậy dễ làm giảm hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh của hóa chất.            

         Về tần suất thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, các cơ sở định kỳ tiêu độc theo lịch của cơ sở và theo các đợt phát động Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường của địa phương[vii].

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường có vai trò quan trọng trong chăn nuôi (cũng như các cơ sở khác). Các cơ sở chăn nuôi cần xây dựng quy trình vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cụ thể cho từng loại vật nuôi, đối tượng nuôi để áp dụng, từ đó sẽ góp phần phòng ngừa sự phát sinh và lây lan của dịch Cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Tuy nhiên, song song với công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, cơ sở chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ những biện pháp khác như: Tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vaccine phòng bệnh; chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thực hiện tốt công tác vận chuyển, giết mổ,…để bảo vệ thành quả lao động của mình.


[i] Công điện số 735/CĐ-BNN-TY ngày 03/02/2020 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.

[ii] Bích Hồng - Nam Giang (12/02/2020), Dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát ở 4 tỉnh, thành phố, http://kenh14.vn/dich-cum-gia-cam-a-h5n6-bung-phat-o-4-tinh-thanh-pho-20200212003052342.chn, truy cập ngày 12/02/2020.

[iii] Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Trà Vinh (Giám đốc Sở Công thương), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 735/CĐ-BNN-TY ngày 03/02/2020 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT (Công văn số 327/UBND-NN ngày 05/02/2020).

[iv] Vùng trọng điểm có thể được hiểu là vùng, xã chăn nuôi thâm canh, tập trung, quy mô lớn, mật độ cao, áp dụng công nghệ cao, bảo đảm được tính hiệu quả bền vững trong chăn nuôi.

[v] Theo Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 (Kèm theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ), Danh sách các huyện vùng nguy cơ cao năm 2019 của tỉnh Trà Vinh gồm: Thành phố Trà Vinh, huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang và Trà Cú.

[vi] Phụ lục 08 Hướng dẫn chung về vệ sinh, khử trùng tiêu độc (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[vii] Theo Kế hoạch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường (tháng 02/2020) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện từ ngày 13/02-13/3/2020; lần I từ ngày 19/02-26/02/2020, lần II từ ngày 02/3-09/3/2020.

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới