"Cần chắt chiu đồng vốn dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới"
           Đó là một trong những tâm tư của đại biểu dự Hội nghị sơ kết các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Trà Vinh năm 2017.

            Dự thảo báo cáo tại Hội nghị cho biết, đến cuối năm 2017 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 30/85 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 35,29%, xã dưới 10 tiêu chí có 20/85 xã, chiếm 23,5%; bình quân đạt 13,3 tiêu chí/xã. Tổng nguồn lực huy động là 672.783 triệu đồng, trong đó nguồn vốn dân đóng góp (hiến đất, cây cối, hoa màu…) là 61.113 triệu đồng, chiếm 9,1%.
                          

“Đường hoa” xã Văn hóa–Nông thôn mới Long Đức (Thành phố Trà Vinh)

              Chủ trương phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, làm việc gì cũng phải có quần chúng, không có quần chúng thì không thể làm được. Người cho rằng, việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt.[1]

Về các nguồn vốn dân đóng góp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ), đó là: ”Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua”.

            Tuy nhiên, để tránh tình trạng các địa phương có thể “lạm thu”, Chương trình cụ thể hơn: “Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị hội đồng nhân dân xã thông qua”. “Hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét, trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương…”. Như vậy, nguồn vốn dân đóng góp có thể hiểu là đóng góp bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau.

           Tại Hội nghị, ý kiến của đại biểu huyện Càng Long và đại biểu đại diện Hội Cựu Chiến binh cho rằng, nguồn vốn dân đóng góp mặc dù chiếm tỷ lệ không cao, có nơi chỉ 2%, nhưng các địa phương phải hết sức trân quý vì đa phần đời sống người dân còn gặp khó khăn nên việc huy động nguồn vốn không phải dễ dàng. Do vậy, chỉ huy động khi thật sự cần thiết và sử dụng nguồn vốn này phải đúng mục đích, công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng và người dân tại địa phương.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, một đại biểu huyện Châu Thành phát biểu thêm, trong xây dựng nông thôn mới thì vai trò của người dân là “chủ chốt”, có những vấn đề địa phương triển khai nhưng người dân thiếu hợp tác hoặc người dân gặp khó khăn chưa thực hiện thì không đạt kết quả.

              Tại Hội nghị, đồng chí Trần Trí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo, để việc vận động đạt hiệu quả và sử dụng đúng nguồn vốn dân đóng góp cho các Chương trình nói chung và riêng về xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần cân đối lại nguồn vốn và phải xác định tiêu chí cần tập trung xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung cho những tiêu chí có tính bức xúc, đột phá. Phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ thành công, thất bại trong thời gian qua để tạo sự chuyển biến tích cực. Cần thay đổi tư duy phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm. Đối với công tác tuyên truyền cần phải được nâng cao, trong tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung, đúng đối tượng và phải nhân rộng được các mô hình làm hay, làm hiểu quả.

              Như vậy, để góp phần xây dựng nông thôn mới thực sự thành công thì mỗi địa phương cần phát huy “sức dân” trên tinh thần người dân tự nguyện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; sử dụng nguồn vốn dân đóng góp một cách hợp lý, tiết kiệm, công khai, minh bạch và theo đúng quy định.

                                                                                                Bài và ảnh: Trần Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới