Quản lý an toàn thực phẩm: Cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sự đồng hành của người sản xuất, kinh hoanh và người tiêu dùng thực phẩm
 An toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Công tác đảm bảo ATTP góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập.

Kiểm tra cơ sở thu mua thủy sản

Trong thời gian qua, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngoài việc tổ chức thực hiện theo hướng dẫn và chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các ngành liên quan cũng đã kịp thời ban hành ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý ATTP. Thông tin giáo dục truyền thông ATTP được đẩy mạnh và kịp thời phổ biến đến tất các đối tượng (người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm) với nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, hội nghị, tập  huấn,… Thu mẫu giám sát, cảnh báo ATTP; kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP cũng được thực hiện thường xuyên. Đi đôi với công tác tuyên truyền, thu mẫu giám sát ATTP, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, trong năm 2016, đã tổ chức trên 100 cuộc tập huấn, tuyên truyền kiến thức ATTP; cấp 377 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; thành lập 253 đoàn thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã) tiến hành thanh, kiểm tra trên 5.826 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thu trên 458 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm giám sát, cảnh báo ATTP; phạt tiền 76 trường hợp, cảnh cáo 31 trường hợp, tiêu hủy sản phẩm của 209 cơ sở với 327 thực phẩm các loại và nhắc nhở 1.473 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh chưa đạt được yêu cầu mong đợi. Qua thanh, kiểm tra, thu mẫu giám sát ATTP trong năm 2016 đã phát hiện 1.618/5.826 cơ sở (chiếm 27,7%) vi phạm các quy định về điều kiện ATTP; 71/458 mẫu (chiếm 15,5%) sản phẩm thực phẩm chưa đạt yêu cầu ATTP. Kết quả trên cho thấy các cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, đặc biệt mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu ATTP còn tương đối cao, nó có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm trên thị trường. Ngoài ra, tỉ lệ xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP còn thấp và chưa đủ sức răn đe.

Ngoài nguyên nhân khách quan như sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, ý thức chấp hành các quy định về ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, việc áp dụng các qui phạm thực hành sản xuất tốt (GMP, SSOP, HACCP, GAP,…) trong quá trình sản xuất, kinh doanh từ trang trại tới bàn ăn còn rất hạn chế nên việc kiểm soát ATTP rất khó khăn thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó công tác phối hợp quản lý chưa đồng bộ, chậm phát hiện và chưa kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, một số địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức và thiếu tập trung trong chỉ đạo, quản lý ATTP.

Để nâng cao chất lượng, ATTP các sản phẩm thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng, đi đôi với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đầy trách nhiệm của các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 30/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, thì các đơn vị liên quan cần chủ động tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Bên cạnh, chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực địa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt. Trọng tâm là sử dụng đúng cách thuốc, hóa chất, kháng sinh đối với sản xuất ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Song song đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ các quy định của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhận thức đúng và xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, ATTP. Riêng, người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.  

Hy vọng, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm, đồng bộ của các bên liên quan và sự đồng hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì chất lượng, ATTP sản phẩm thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng sẽ ngày càng được nâng cao.
          Sơn Sâm Phone
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới