Trà Vinh hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp để sản xuất nông nghiệp an toàn. Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 300 ha trở lên, quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế diện tích 1.000 ha, tối thiểu 5% diện tích sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách; thực hiện các mô hình thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao cho 2 đối tượng thuỷ sản chủ lực gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tỉnh cũng từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đáp ứng hoạt động công nghệ cao cho các khâu sản xuất, chế biến xuất khẩu. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất, thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất một cách bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đơn vị cũng khuyến khích nông dân xây dựng cánh đồng lớn các loại nông sản an toàn để thu hút doanh nghiệp liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

            Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho nông sản an toàn; mở các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn, hướng dẫn và quản lý chặt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mở các lớp tập huấn từ sản xuất đến tiêu thụ đảm bảo quy trình an toàn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục công tác giám sát thực phẩm đầu vào tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng… để kích cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn; đồng thời, tăng cường kiểm tra tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong lĩnh vực trồng trọt, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các chất phụ gia, phẩm màu trong sơ chế, chế biến…

            Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh hiện có vùng sản xuất lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế hơn 161 ha tại 2 xã Long Hoà và Hoà Minh (huyện Châu Thành), với 173 hộ tham gia, sản lượng hơn 700 tấn/năm; 100 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè. 

Toàn tỉnh có 25 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã trồng rau an toàn; hơn 100 ha trồng cây ăn trái an toàn, gồm: 26 ha thanh long ruột đỏ tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long), 53 ha cam sành ở huyện Cầu Kè và Càng Long đạt tiêu chuẩn VietGAP, 24 ha xoài cát Hoà Lộc ở huyện Cầu Ngang được chứng nhận GlobalGAP. Tỉnh cũng có 35 ha nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, 312 mô hình nuôi lợn và gà sử dụng đệm lót sinh học…

            Theo ông Trần Trung Hiền, việc sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn rất cần sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, nhưng hiện việc này còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy nông sản an toàn của tỉnh ngoài vùng lúa hữu cơ được liên kết đầu vào và đầu ra, thì các nông sản an toàn còn lại chủ yếu do thị trường điều tiết, chưa có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ.

            Điều bất hợp lý là nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng là rất lớn, nhưng nông sản an toàn ở Trà Vinh  thời gian qua thường xuyên bị thương lái ép giá do mẫu mã không bắt mắt, nên chỉ bán được như giá nông sản thường. Do vậy, việc duy trì các tổ hợp tác sản xuất an toàn rất khó nếu không có doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

            Cùng với đó là những hạn chế trong công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất an toàn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo Quyết định 28/2015/QĐ-UBND chưa được triển khai sâu rộng đến các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã và các nhà đầu tư  để thực thi./.

 Thanh Hòa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới