Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu: Thực hiện nhiều chính sách phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp

            Tỉnh Trà Vinh đang thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương nhằm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Cụ thể, tỉnh thực hiện 11 chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ giống khôi phục vùng thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ đất trồng lúa; giảm tổn thất trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tỉnh cũng thực hiện các chính sách phát triển thuỷ sản; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

 

Ruộng bắp lai 0,5 ha của ông Thạch Ri, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh- một trong những hộ nông dân được hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa


      
Nông dân xã Mỹ Long Bắc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 
đậu phộng và rau màu khác

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh cũng ban hành 3 chính sách, gồm: hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2017; chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp. 

Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, việc thực hiện các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn; trong đó, các chính sách do tỉnh ban hành đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn theo Quyết định của UBND tỉnh, đến nay, Trà Vinh đã hỗ trợ thành lập 23 hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tập huấn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo Quyết định 24/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 8 tổ hợp tác và đầu tư trang thiết bị cần thiết cho các tổ, đội đang hoạt động. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 53 tổ, đội, với 230 chủ tàu cá hợp tác khai thác trên biển; trong đó, có 35 tổ đánh bắt xa bờ và 18 tổ đánh bắt ven bờ. Việc tham gia tổ, đội sản xuất trên biển giúp tăng hiệu quả đáng kể trong khai thác thuỷ  hải sản và giảm thiểu rủi ro.

Riêng chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị định 15/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngành nông nghiệp đã tổng hợp kinh phí và đang đề nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng.

Hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp từ 73% năm 2013 xuống còn 67,8% năm 2016; trong đó, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 74,4% năm 2013 xuống còn 70,1% năm 2016, chăn nuôi tăng từ 16,9% năm 2013 lên 18,9% năm 2016 và tỷ trọng ngành thuỷ sản 25,9% năm 2013 lên 31% năm 2016, lâm nghiệp ổn định ở mức 1,2%. 

Cuối năm 2016, giá trị sản xuất mỗi héc ta đất trồng trọt đạt 115,1 triệu đồng/năm, tăng 6,9 triệu đồng/ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 46 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất mỗi héc ta đất nuôi trồng thủy sản đạt 257 triệu đồng/năm (tăng hơn 50 triệu đồng/ha so với năm 2013), lợi nhuận bình quân đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.../.

                                                                                                                                                 Thanh Hòa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới