Trà Vinh tăng cường quản lý nuôi tôm siêu thâm canh

 Tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Trà Vinh, với diện tích mỗi năm khoảng 24.000 ha, sản lượng đạt hơn 35.000 tấn. Từ năm 2016, một số hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đầu tư mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nâng cao giá trị con tôm Trà Vinh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

           Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đây là mô hình nuôi theo quy trình khép kín. Do hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh nên tôm thương phẩm đạt yêu cầu chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năng suất tôm nuôi cũng tăng nên người nuôi thu được lợi nhuận cao hơn từ 2 lần trở lên so với cách nuôi thông thường. Điều quan trọng là mô hình đã quản lý tốt được mầm bệnh từ bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi.

               Đây là cơ hội để tỉnh Trà Vinh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi nhu cầu điện cao, trong khi một số địa phương chưa có nguồn điện ba pha. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi tại một số vùng nuôi trong tỉnh hiện nay chưa hoàn thiện nên chưa đáp ứng được cách nuôi theo mô hình.

Điều đáng lo ngại, đa phần các hộ nuôi chưa có ao trữ nước thải nên nước thải được xả trực tiếp ra môi trường công cộng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tăng cường công tác quản lý đối với các hộ nuôi theo mô hình này. Ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn  QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ- Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm cạnh phải có ao trữ nước thải và được xử lý lắng, lọc trước khi xả ra kênh rạch công cộng.

Các cơ sở nuôi có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, Dự án nuôi quảng canh từ 50 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ  về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, trình các có thẩm quyền xác nhận trước khi thả nuôi. Đối với cơ sở nuôi diện tích từ 0,5-10 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, hướng dẫn người nuôi chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Trường hợp vi phạm có thể áp dụng xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 52 hộ dân và 1 doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích hơn 137 ha; trong đó, Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Trà Cú thả nuôi 120 ha./.

 

Thanh Hòa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới