Quyết tâm không để xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm của tỉnh (*)

(PCSTT) Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm trên thế giới và trong nước ở những ngày đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện khẩn số 1263/CĐ-BNN-TY ngày 05/02/2018 chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống Cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

            Trong Chương trình “Dân hỏi lãnh đạo trả lời” của Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh ngày 05/3/2018, đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, về các biện pháp để tăng cường phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm nguy hiểm xâm nhiễm vào tỉnh ta.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn nói trên.

Câu hỏi: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết những nguy cơ cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác có thể xâm nhiễm vào Việt Nam nói chung và vào tỉnh ta nói riêng trong thời điểm hiện nay?

Trả lời: Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 01/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã ghi nhận nhiều quốc gia phát sinh ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N2, A/H5N6 và A/H5N8. Đặc biệt, 02 quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam là Campuchia đã xảy ra cúm A/H5N1 và Trung Quốc xảy ra cúm A/H5N6Về cúm A/H7N9, thêm một người bị nhiễm tại Tân Cương (Trung Quốc), nâng tổng số lên 1.624 người nhiễm, trong đó có 621 người đã tử vong.

Tại Việt Nam, đến nay chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên người hoặc gia cầm; tuy nhiên, đầu tháng 02/2018, cúm A/H5N6 đã xảy ra trên 01 đàn gà ở Hải Phòng.

Cũng thông tin thêm với bà con, trong năm 2017, kết quả xét nghiệm mẫu của cơ quan chức năng cho thấy vi rút Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường ở nước ta.

Trước hình hình diễn biến phức tạp của các chủng vi rút cúm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khả năng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, nhất là các tỉnh giáp biên giới với các nước có dịch và các tỉnh hoặc thành phố tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, vì hai lý do:

- Thứ nhất, đó là sự giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia.

- Thứ hai, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Tại tỉnh Trà Vinh, nguy cơ cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác vẫn có thể xâm nhiễm vì những lý do trên.

 

Bà Nguyễn Ngọc Hài (trái) tại buổi phỏng vấn

                    (Ảnh: Trích từ Chương trình “Dân hỏi lãnh đạo trả lời”, ngày 05/3/2018)

Câu hỏi: Theo bà, vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào sẽ gây nguy hiểm như thế nào đến đời sống của người dân trong tỉnh?

Trả lời: Sẽ rất nguy hiểm nếu như vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác xâm nhập vào tỉnh ta.

- Đầu tiên, chúng ta phải huy động nhân lực, trang thiết bị, vật tư, kinh phí… để tiêu hủy gia cầm chết, gia cầm nghi hoặc nhiễm bệnh và để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tiếp đến, thiệt hại về kinh tế, sản xuất bị đình trệ, điều này đã được minh chứng rất rõ qua các đợt dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Nhưng, điều lo ngại nhất là ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đó là sự lây nhiễm của dịch bệnh từ gia cầm sang người và gây chết người.

Cũng xin lưu ý là, nếu xảy ra ĐẠI DỊCH thì thiệt hại chưa thể tính được. Vì vậy, không riêng cúm A/H7N9 mà tất cả các loại cúm khác, nếu xâm nhập vào tỉnh ta và nếu chúng ta không có các giải pháp chủ động phòng, chống kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh tế, xã hội và môi trường.

                Gà nuôi thả vườn                       Nuôi vịt trong mương vườn

                              (xã Long Đức, Tp Trà Vinh)                       (xã Huyền Hội, huyện Càng Long)

Câu hỏi: Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ có biện pháp gì để phòng, chống sự xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác?

Trả lời: Như đã thông tin, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ở người hay gia cầm bị nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 có khi không thể hiện triệu chứng, đây là điều rất đáng ngại và gây khó khăn cho công tác phòng, chống.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm những ngày đầu năm 2018, ở nước ta, nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch CGC và khả năng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) xâm nhiễm vào trong nước là rất cao. Để chủ động phòng, chống, ngày 05/02/2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện khẩn số 1263/CĐ-BNN-TY, chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống Cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

Về phía tỉnh ta, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản hướng dẫn chính quyền, đoàn thể các địa phương và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về sự nguy hiểm của cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác, để cho người dân hiểu và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; bảo vệ sản xuất và tiêu dùng. Và sẽ chủ động tham gia cùng với địa phương, cơ quan chức năng giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu để tiêu thụ trong tỉnh. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch. Và đồng thời, tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát; không ăn tiết canh gia cầm, chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm khi đã được nấu chín.

Thứ hai là, tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất-nhập tỉnh, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ các tỉnh biên giới giáp với các nước đã và đang có dịch. Kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung để ngăn chặn gia cầm giết mổ không qua kiểm soát nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Thứ ba là, chủ động giám sát sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm để cảnh báo, chỉ đạo chống dịch, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm nguy hiểm khác.

Thứ tư là, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tiêm phòng các loại vắc-xin tạo miễn dịch chủ động bảo hộ cho đàn gia cầm…

- Và cuối cùng là, có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, kinh phí…để ứng phó kịp thời nếu có dịch xảy ra.

Câu hỏi: Ngoài các biện pháp trên, theo bà, người dân phải có trách nhiệm gì để cùng thực hiện có hiệu quả công tác này

Trả lời: Theo tôi, có 05 vấn đề người dân cần lưu ý để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút Cúm gia cầm khác:

- Thứ nhất là, không sử dụng làm thực phẩm những gia cầm hay sản phẩm gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

- Thứ hai là, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Thứ ba là, khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng, bán chạy hoặc vứt xác xuống sông hay kênh, rạch mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất.

- Thứ tư là, sau khi tiếp xúc với gia cầm hay sản phẩm gia cầm mà có các biểu hiện như sốt, ho, đau ngực, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

- Thứ năm là, khi chăn nuôi gia cầm phải thực hiện đầy đủ quy trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng…theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Câu hỏi: Chúng tôi nghĩ rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi kinh tế, cũng như sức khỏe cho người dân, bà cho biết mục tiêu đặt ra cho công tác này của tỉnh ta là gì?

Trả lời: Trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng, chống dịch Cúm gia cầm còn rất nhiều khó khăn, thách thức; mặc dù vậy, để bảo vệ quyền lợi kinh tế, cũng như sức khỏe cho người dân, ngành Nông nghiệp vẫn đặt ra mục tiêu cao nhất đó là: Bằng mọi biện pháp chủ động phòng, ngừa, quyết tâm không để xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm của tỉnh.

 

                                                                Trích đăng: Phòng Chính sách và thông tin

Ảnh: Trần Văn Đoái

(*): Tựa do Phòng Chính sách và thông tin đặt

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới