Bệnh Dại và phòng, chống dại

Theo Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung ương  (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 34 tỉnh, thành phố xảy ra bệnh Dại làm chết 74 người. Số người chết tập trung chủ yếu ở miền Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, khu vực phía Nam. Ba tháng đầu năm 2018, đã có 12 tỉnh, thành phố phát hiện bệnh Dại và 16 người chết. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hai tỉnh Bến Tre và Cà Mau mỗi tỉnh một người. Tại tỉnh Trà Vinh, mặc dù quý I/2018 không có người chết do bệnh Dại, nhưng năm 2017 có một trường hợp ở huyện Trà Cú (Nguồn: Sở Y tế).

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, mỗi năm có hơn 50.000 người chết do Dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng Dại. Ở Việt Nam, trung bình hàng năm có khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng[i], riêng năm 2017 là 500.714 người. Tại tỉnh Trà Vinh (số liệu năm 2015-NV) có trên 13.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng[ii], ước thiệt hại trên 20 tỷ đồng.

Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.  Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã[iii]. Theo số liệu Chăn nuôi Việt Nam (thời điểm 01/10/2017), cả nước có 11,2 triệu con chó, trong đó tỉnh Trà Vinh có khoảng 178.000 con.

Mặc dù bệnh Dại nguy hiểm, nhưng khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp phòng, trong đó biện pháp đầu tiên là: “Phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y”[[1]]. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo chưa được quan tâm đúng mức. Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2016, chỉ 17/63 tỉnh, thành phố tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó đạt trên 70% tổng đàn, 10 tỉnh, thành phố ở mức 50-70% nhưng có tới 36 tỉnh dưới 50%, cá biệt có tám tỉnh dưới 10% hoặc chỉ 2%, tính tỷ lệ chung cả nước đạt 43%[ii]; năm 2017, tỷ lệ đạt 41%[i]. Ở tỉnh Trà Vinh, báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, năm 2017 tiêm phòng Dại cho chó, mèo được 10.467 liều, tăng 7.003 liều so với năm 2016, bằng 8,4% diện tiêm, nếu tính trên tổng đàn (khoảng 178.000 con) chỉ đạt 5,98%. Tỷ lệ quá thấp nếu so với quy định tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 85%.


Nuôi chó phải xích, nuôi chó có đăng ký là một trong những biện pháp phòng Dại

             Trước diễn biến của bệnh Dại ba tháng đầu năm 2018, ngày 10/4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn (số 2704/CĐ-BNN-TY) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018. Một số biện pháp chính đó là: (1) Phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại, bắt đầu từ 15/4/2018 đến hết tháng 5/2018. (2) Tổ chức quản lý đàn chó nuôi theo quy định. (3) Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó. (4) Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”. (5) Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định.

Những năm qua, Ủy ban nhân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh[iv]. Cụ thể, thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế về phòng, chống bệnh Dại. Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Dại hàng năm (trong đó có thống kê số lượng chó, mèo nuôi, tổ chức tiêm phòng vắc xin, tiến hành bắt giữ chó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn xử lý các trường hợp người bị chó cắn…), tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)…


Tuyên truyền tiêm phòng Dại cho chó, mèo tại Trà Vinh

 Công tác phòng, chống Dại luôn được tỉnh Trà vinh thực hiện thường xuyên, liên tục nhiều năm qua. Hy vọng, năm 2018 (và những năm tiếp theo) tỉnh Trà Vinh không có trường hợp tử vong do bệnh Dại để từ đó, góp phần vào hoàn thành mục tiêu chung “Khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại” của CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI GIAI ĐOẠN 2017-2021.

                                                                                                                                                                    Văn Đoái

 


[1] Năm biện pháp phòng bệnh Dại theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): (1) Phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. (2) Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. (3) Diệt chó chạy rông, chó vô chủ (4) Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. (5) Khi bị chó, mèo cắn cần: (a) Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. (b) Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). (c) Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. (d) Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại (e)- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Việc tiêm phòng Dại cho 100% chó, mèo nuôi rất khó thực hiện. Vì vậy mục tiêu cụ thể của Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 chỉ đưa ra mức “ít nhất 85%”.


[i] Thảo Nguyên (28/9/2017), Tốn 600 tỷ mỗi năm phòng bệnh do chó, mèo cắn, https://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/ton-600-ty-moi-nam-phong-benh-do-cho-meo-can-227622.html, 23/4/2018.

[ii] Lê Bền,  Nguy cơ bệnh dại bùng phát, tỉ lệ tiêm phòng đàn chó rất thấp (12/7/2016), http://moitruong24h.vn/nguy-co-benh-dai-bung-phat-ti-le-tiem-phong-dan-cho-rat-thap.html, ngày 23/4/2018

[iii] Phụ lục 15, Hướng dẫn phòng, chống bệnh Dại động vật (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

[iv] Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 28/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới