Một số nội dung của Luật Chăn nuôi

         Luật Chăn nuôi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có 8 chương 83 Điều. Như vậy, ở lĩnh vực nông nghiệp đã có Luật Thú y (2015), Thủy sản (2017), Lâm nghiệp (2017), Trồng trọt (2018) và Luật Chăn nuôi (2018). Luật Chăn nuôi thực thi được kỳ vọng tỷ trọng của ngành chăn nuôi sẽ có sự dịch chuyển, chất lượng sản phẩm được nâng lên, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm đi. Chuỗi chăn nuôi sẽ dần đáp ứng được các thị trường xuất khẩu có tiềm năng,...
Sau đây là một số nội dung (tóm lược) của Luật Chăn nuôi.
        Chương I. Những quy định chung (Điều 1-12). Luật làm rõ khái niệm Chăn nuôi nông hộ, Chăn nuôi trang trại. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các hành vi bị nghiêm cấm như: Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; Sử dụng chất cấm; Xả thải chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu; Gian dối trong kê khai nhằm trục lợi,…
       Chương II. Giống và sản phẩm giống vật nuôi (Điều 13-31). Khi sản xuất con giống vật nuôi, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định; mua bán con giống vật nuôi phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống. Nếu sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải thực hiện kê khai đực giống, sử dụng đực giống có nguồn gốc, hồ sơ giống, đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng,...

 Bò cái lai Sind nuôi nông hộ (Ảnh: Trần Văn Đoái)


          Chương III. Thức ăn chăn nuôi (Điều 32-51). Mua bán thức ăn chăn nuôi phải có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp; Nơi bày bán, kho chứa phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác; Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá và hướng dẫn sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi từ tổ chức, cá nhân cung cấp; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sử dụng thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
         Chương IV. Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 52-63). Chính phủ quy định chi tiết về chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mật độ chăn nuôi của vùng quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh. Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã, chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải bảo đảm vệ sinh môi trường, phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi,…

 Nuôi gà đệm lót (Ảnh: Trần Văn Đoái)


           Chương V. Chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi (Điều 64-72). Chính phủ quy định chi tiết quản lý nuôi chim yến. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y. Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải đối xử nhân đạo với vật nuôi như: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
         Chương VI. Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi (Điều 73-78). Việc giết mổ vật nuôi phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm và đối xử nhân đạo với vật nuôi; Cơ sở giết mổ phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ. Sản phẩm chăn nuôi được mua bán, sơ chế, chế biến phải có xuất xứ rõ ràng bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. 
         Chương VII. Quản lý nhà nước về chăn nuôi (Điều 79-81). Quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Như, Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chăn nuôi; Tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn; Thống kê cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
          Chương VIII. Điều khoản thi hành (Điều 82-83). Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Chăn nuôi thì trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng điều kiện chăn nuôi thì trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng quy định của Luật Chăn nuôi.


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới