Luật Lâm nghiệp: "Trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân"

           “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát diện tích rừng tự nhiên hiện có để đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành” (khoản 4 Điều 108 Luật Lâm nghiệp).
           Luật Lâm nghiệp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, có 12 Chương, 108 Điều. Chương I. Những quy định chung (Điều 1-9), Chương II. Quy hoạch lâm nghiệp (Điều 10-13), Chương III. Quản lý rừng (Điều 14-36), Chương IV. Bảo vệ rừng (Điều 37-43), Chương V. Phát triển rừng (Điều 44-51), Chương VI. Sử dụng rừng (Điều 52-65), Chương VII. Chế biến và thương mại lâm sản (Điều 66-72), Chương VIII. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng (Điều 73-89), Chương IX. Định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp (Điều 90-95), Chương X. Khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp (Điều 96-99), Chương XI. Quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm (Điều 100-106), Chương XII. Điều khoản thi hành (Điều 107-108). Một số nội dung đáng chú ý trong Luật Lâm nghiệp:
           Luật Lâm nghiệp quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản (Điều 1). Lâm nghiệp là ngành kinh tế-kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Hoạt động lâm nghiệp bao gồm một hoặc nhiều hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản (Khoản 1, khoản 2 Điều 2). Rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật (Khoản 8, khoản 9 Điều 2).
           Một trong những nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp (Khoản 2 Điều 3). Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ,…(Điều 4).

Rừng trồng tại Trà Vinh (Ảnh: Trần Văn Đoái)

 

           Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp (Điều 9) như: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng; Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng,…
          Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp. Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng. Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật,…(Điều 14).
Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp: Chủ rừng sử dụng không đúng mục đích, không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê, chủ rừng tự nguyện trả lại rừng,...(Điều 22).
          Khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững (Điều 27). Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 39). Trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân (Điều 43).
          Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng: Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Mục c, khoản 1 Điều 52). Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng (Khoản 4 Điều 55).
          Quyền chung của chủ rừng (Điều 73): Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật; Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai; Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư; Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng; Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai; Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng; Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.


        Phát triển sản xuất gắn với rừng (Ảnh: Trần Văn Đoái)

 

           Nghĩa vụ chung của chủ rừng (Điều 74): Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng; Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này; Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
          Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý (Khoản 4 Điều 102).
          Kiểm lâm được tổ chức ở trung ương, ở cấp tỉnh. Chính phủ quy định chi tiết tổ chức Kiểm lâm (Điều 105).
         Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành.


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới