Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Thực hiện Công văn số 11/BCĐDTLCP ngày 07/11/2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi; Chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tại Công văn số 4284/UBND-NN ngày 12/11/2019 về việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo do bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

Từ ngày 25/11-29/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp Sở Tài chính, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành lập Tổ Kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) trên địa bàn toàn tỉnh.

Nội dung kiểm tra bao gồm, công tác phòng, chống bệnh DTHCP tại huyện, thị xã, thành phố; thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số lượng heo buộc phải tiêu hủy; tình hình sử dụng kinh phí để hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh DTHCP và kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống DTHCP; đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của huyện, thị xã, thành phố liên quan đến công tác phòng, chống bệnh DTHCP.

Tổ kiểm tra làm việc tại huyện Tiểu Cần

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 02/2019-25/10/2019 bệnh DTHCP đã xày ra tại hơn 8.300 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố, tổng số heo tiêu hủy 5,7 triệu con, với tổng trọng lượng 327.000 tấn (chiếm 8,5 tổng trọng lượng heo của cả nước)[1].

Tại tỉnh Trà Vinh, bệnh DTHCP xảy ra từ tháng 6/2019. Số liệu đến giữa tháng 11/2019, bệnh xảy ra 97/106 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Trên 3.800 hộ có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh DTHCP, tổng số heo tiêu hủy lên đến 85.000 con, trọng lượng tương đương 3.900 tấn; tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho các hộ dân khoảng 110 tỷ và các địa phương đã tiến hành hỗ trợ trên 88 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 79%.

Theo phản ánh của các địa phương, trong quá trình thực hiện phòng, chống bệnh DTHCP xuất hiện một số khó khăn dẫn đến tiến độ giải ngân bị chậm, nhất là hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống, như: Thủ tục thanh quyết toán, định mức sử dụng vật tư tại các chốt kiểm dịch, xử lý hố chôn bị ô nhiễm chưa rõ ràng; hỗ trợ tiền công cho lực lượng tiêu thực hiện tiêu hủy heo còn vướng về cách tính ngày công; định mức tiêu hủy heo phải có hóa đơn khi mua vật tư; chưa có hướng dẫn mức chi cho lực lượng tiêu độc khử trùng trong trường hợp không đạt số hộ quy định phải thực hiện trong ngày,…

Tổ kiểm tra làm việc tại huyện Cầu Kè

         Vì vậy, ngoài việc kiểm tra, Tổ Kiểm tra sẽ hướng dẫn cụ thể về công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số lượng heo buộc phải tiêu hủy, xử lý những vướng mắc của các địa phương (như đã nêu trên) và giám sát, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách của nhà nước trong hỗ trợ tiêu hủy heo do bệnh DTHCP (nếu có).

Kết quả kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.  


[1] Theo Công văn số 8126/BNN-TY ngày 29/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm những tháng cuối năm 2019. Tuy nhiên, Tại tọa đàm “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống Dịch tả lợn châu Phi” vào chiều 26/11, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin, tính đến 25/11, số lượng heo chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con. (Tiêu hủy 6 triệu con lợn, thiệt hại chưa bao giờ có nhưng "tạm hài lòng", https://vietbao.vn/Kinh-te/Tieu-huy-6-trieu-con-lon-thiet-hai-chua-bao-gio-co-nhung-tam-hai-long/590592143/87/, truy cập ngày 27/11/2019).

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới