Tình hình sâu bệnh Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và biện pháp phòng trị
Sự thay đổi thời tiết trong những ngày giáp tết và sự tích lũy mật số từ vụ trước tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại phát sinh và phát triển như đạo ôn, rầy nâu. Tuy nhiên, trong thời điểm tết Nguyên đán việc thăm đồng hạn chế, là nguy cơ để dịch hại phát triển mạnh.

 Hiện nay toàn Tỉnh Trà Vinh đã xuống giống 68.058,69 ha lúa Đông Xuân 2018-2019; giai đoạn sinh trưởng: Mạ 5.805,1 ha, đẻ nhánh: 47.726,66 ha, đòng trổ:13.902,92 ha, chín: 455 ha.
Do lúa Đông Xuân phổ biến đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng, đây là giai đoạn nông dân tăng cường bón thúc phân giúp cây lúa đẻ nhánh tích cực, đồng thời sự thay đổi thời tiết trong những ngày giáp tết và sự tích lũy mật số từ vụ trước tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại phát sinh và phát triển như đạo ôn, rầy nâu. Tuy nhiên, trong thời điểm tết Nguyên đán việc thăm đồng hạn chế, là nguy cơ để dịch hại phát triển mạnh.
Tình hình sâu bệnh ngoài đồng hiện nay, bà con chú ý 2 đối tượng chính sau đây:

         *Rầy nâu: Hiện rầy ngoài đồng  mật số phổ biến 500-700 con/m2, cục bộ có nơi mật số 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu ở hầu hết các xã của huyện Càng Long; xã Hiếu Tử huyện Tiểu Cần; xã Thông Hòa, Phong Thạnh, Phong Phú huyện Cầu Kè, rầy phổ biến tuổi 5-trưởng thành, tập trung trên trà lúa giai đoạn đòng-trổ. 
         Các huyện Trà Cú, Châu Thành, các xã còn lại của huyện Tiểu Cần, Cầu Kè diện tích nhiễm rầy 255 ha, mật số 750-1500 con/m2, diện tích còn lại mật số 400-500 con/m2, tuổi 1,2 trên trà lúa đẻ nhánh-làm đòng.

 

 Bệnh vàng lùn (giai đoạn muộn) do rầy nâu truyền virus (ảnh sưa tầm)

 

            *Đạo ôn: Toàn tỉnh có 200 ha lúa bị bệnh đạo ôn, với tỷ lệ 5-10 % (cấp 1 - cấp 3) tập trung ở xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Long Thới, Phú Cần (huyện Tiểu Cần); xã Thạnh Phú, Thông Hòa, Phong Thạnh (huyện Cầu Kè); xã Mỹ Chánh (huyện Châu Thành).

 Triệu chứng bệnh đạo ôn lá

 

           Dự báo tình hình sâu bệnh trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019:
           Bệnh đạo ôn có xu hướng phát triển trên trà lúa đẻ nhánh tích cực, nhất là trà lúa sau thời điểm bón phân đợt 2, chú ý trên những giống nhiễm OM4900, OM 5451…
           Rầy nâu: Trên trà lúa giai đoạn đòng - trổ sẽ có lứa rầy nở từ 28/12 đến mùng 4/01 âm lịch (từ ngày 2/2 đến 8/2/2019) tập trung chủ yếu ở huyện Càng Long; xã Hiếu Tử huyện Tiểu Cần; xã Thông Hòa, Phong Thạnh, Phong Phú huyện Cầu Kè.
           Để quản lý tốt bệnh đạo ôn và rầy nâu, đề nghị bà con nông dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp như sau:
           * Đối với rầy nâu:
           Bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, nhất là trên trà lúa giai đoạn đòng - trổ:
           - Trường hợp mật số rầy nâu ít (< 3 con/tép):
          + Thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến mật độ rầy.
          + Bón phân cân đối giữa N-P-K, tránh bón thừa phân đạm, có thể sử dụng sản phẩm sinh học, các sản phẩm có chứa Canxi, Silic nhằm giúp cây lúa có khả năng chống chịu với dịch hại.
          + Hạn chế phun thuốc trừ sâu khi cây lúa còn non dưới 40 ngày sau sạ để bảo vệ thiên địch có ích trong ruộng.
          + Điều tiết nước tưới hợp lý, giúp cây lúa phát triển tốt, hạn chế khả năng chích hút của rầy nâu…
           -  Trường hợp rầy nâu xuất hiện mật độ đến ngưỡng phòng trị
Nếu phát hiện rầy nâu với mật số 3 con/tép lúa trở lên, rầy tuổi 1-2, thì phun thuốc trừ rầy: 
          + Hoạt chất Buprofezin (thuốc chống lột xác) gồm có: Applaud 10WP, Butyl 10WP…
          + Hoạt chất Fenobucarb (thuốc chết nhanh): Bascide 50EC, Bassa 50EC, Hoppecin 50EC…
Đối với ruộng giai đoạn đòng - trổ có thể sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Pymetrozine (LK set-up 700WP, Chess 50WG, Gepa 50WG, Supercheck 720WP, Chess vàng…); Triflumezopyrim (Pexena 106SC…); Nitenpyram (Palano 600WP, Metagold 800WP…) và một số loại thuốc đặc trị rầy nâu khác.
Lưu ý:
           - Phun thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng;
           - Cần đảm bảo đủ lượng nước và hướng vòi phun vào phía gốc lúa là nơi rầy tập trung nhiều.
           - Nếu ruộng có nhiều lứa rầy xuất hiện cùng một lúc có thể kết hợp thuốc trừ rầy chết nhanh và thuốc chống lột xác.
          * Đối với bệnh đạo ôn: 
          - Ruộng lúa mới xuất hiện vết bệnh:
          + Thăm đồng nên quan sát kỹ những nơi lúa phát triển tốt hơn so với những nơi khác, nơi cuối nguồn nước, nơi dồn phèn… quan sát các lá bên dưới có vết chấm kim hay không.
          + Nếu trên lúa đã xuất hiện các vết chấm kim chuyển sang nâu hoặc có vết hơi úng nước (mới bắt đầu hình thành vết bệnh) thì tiến hành phun thuốc ngay. Một số thuốc phòng trị đạo ôn: Fuan 40 EC, Filia 525SE, Fuji-One 40EC, Bump 650WP, Ninja 35EC, Isoxanil 50EC, Rocksai supper 525EC… 
          + Bà con nông dân lưu ý trước khi bón phân đợt 2 cần điều tra kỹ (những nơi lúa xanh tốt hơn) nếu thấy ruộng có xuất hiện vết bệnh thì phải tiến hành phun thuốc phòng trị, sau đó 3 ngày sau nếu kiểm tra thấy vết bệnh khô thì mới tiến hành bón phân.
           - Đối với ruộng đang bị bệnh:
          + Ngưng ngay việc bón phân đạm (nếu trùng vào đợt bón phân lần 2).
          + Nếu ruộng bị nhiễm phèn tháo nước rửa phèn, sau đó bón vôi (vôi đá) liều lượng từ 20-30 kg cho 1.000 m2 nhằm cải thiện môi trường (pH) trong ruộng lúa.
          + Tiến hành phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn, tuân thủ đúng theo liều lượng khuyến cáo.
          + Nếu áp lực bệnh cao (vết bệnh chưa khô hẳn + có mưa liên tục...) phun lặp lại 3-5 ngày sau.
          + Một số thuốc đặc trị đạo ôn:
          Thuốc có chứa hoạt chất Tricyclazole: Beam 75WP, Flash 800WG, Frog750WP, Lany 75WP, Bimusa 800WP, Trizole 75WP...
          Thuốc có chứa hoạt chất Fenoxanil: Taiyou 20SC, Feno supper 265WP, Fammer 400SC, Sako 25WP, Map Famy 700WP … 
         + Sau khi vết bệnh khô, cần bổ sung thêm phân bón hữu cơ hoặc phân bón qua lá nhằm tăng cường dinh dưỡng và giúp lúa mau phục hồi như Supper Humic, Agrigro, Comcat, Risopla, DS-80, DS-gold…


   
                                  Sơn Huyền Linh

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới