Cảnh báo sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) gây hại trên cây trồng
Từ ngày 30/5 đến ngày 01/6 năm 2019 tại Trung tâm BVTV phía Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn và chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) cho 19 Chi cục Trồng trọt và BVTV của các tỉnh phía Nam.

Th.S. Lê Quốc Cường (GĐ Trung tâm BVTV phía Nam) phát biểu trong Hội nghị

         Sâu keo mùa thu thuộc họ Lepidoptera, họ Noctuidae, giống Spodoptera, loài Spodoptera  frugiperda J.E.Smith, là loài sâu hại đa ký chủ có thể ăn hơn 80 loài thực vật, theo tổng hợp mới nhất của FAO sâu keo mùa thu có thể ăn trên 300 loài thực vật bao gồm cả bắp, lúa, lúa mến, kê, mía, cây rau, bông,... Tuy nhiên, loài sâu này ưa thích nhất là trên cây bắp (ngô), đặc biệt là bắp ngọt và bắp rau.  
      * Về đặc điểm hính thái của sâu keo mùa thu:
      - Trứng: hình cầu, mới đẻ có màu xanh nhạt và chuyển sang màu nâu nhạt trước khi nở. Thời gian trứng nở sau 2-10 ngày (thường là 2-4 ngày) ở nhiệt độ 20-30°C, trứng đẻ thành ổ khoảng 150-200 trứng/ổ và được bao phủ bằng lớp lông mỏng màu hồng xám.
      - Ấu trùng: thường có trải qua 6 tuổi (đôi khi có 5 tuổi) cơ thể có màu xanh nhạt đến nâu sẫm (phổ biến) với các sọc dọc trên thân. Nhận dạng sâu non tuổi lớn (thường từ tuổi 3) phía đầu có hình chữ “Y” ngược có màu vàng, trên mỗi đốt có 4 chấm đen hình thang, đặc biệt đốt bụng cuối cùng có 4 chấm đen được xếp thành hình vuông. Thời gian ấu trùng kéo dài 14-30 ngày.
      - Nhộng: Nhộng vũ hóa phần lớn trong đất, ở độ sâu 2 - 8 cm (John L., 2017). Đất cát pha sét hoặc đất sét pha cát thích hợp cho sự phát triển của nhộng và tỷ lệ vũ hóa. Một số ít thường gặp hóa nhộng giữa các bẹ lá, nách lá của cây ký chủ hoặc trong cây bắp. Nhộng có mầu nâu sáng bóng. Thời gian của giai đoạn nhộng 7 -13 ngày.
      - Trưởng thành:  Con trưởng thành hoạt động về đêm. Cánh có màu nâu đến nâu xám, hoa văn trên cánh của con đực và con cái khác nhau (con cái không có hoa văn rõ ràng). Thời gian sống của con trưởng thành từ 12-14 ngày.
     * Về đặc điểm gây hại của sâu keo mùa thu:
          Sâu non có khả năng gây hại trên lá, các bộ phận non của cây, trái. Sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, nếu mật độ cao và nguồn thức ăn khan hiếm chúng ăn cả các phần xanh, mềm của cây. Sâu non tuổi lớn có thể cắn chết sâu tuổi nhỏ.

             

Hình ảnh sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda)gây hại trên cây bắp

      3. Giải pháp quản lý sâu keo mùa thu:
     - Biện pháp canh tác:
     + Vệ sinh cỏ dại xung quanh ruộng trồng bắp (cắt nguồn ký chủ của sâu), cày ải phơi đất nhằm tiêu diệt ấu trùng và nhộng hiện diện trong đất trồng.
     + Mùa vụ:  Bố trí trồng  đồng loạt, xây dựng  bẫy cây trồng , hoặc trồng  luân canh và xen canh (cỏ voi, …) nằm hạn chế mức độ gây hại của sâu trên cây bắp.
     + Ngắt ổ trứng khi phát hiện.
     - Biện pháp sinh học: 
     + Sử dụng các loài ong ký sinh (Bộ Hymenoptera) ký sinh sâu non, nhiều thiên địch bắt mồi ăn thịt, có thể sử dụng các vi sinh vật gây bệnh cho sâu như nấm ký sinh   B. thuringiensis, Beaveria globulifera, Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, vi khuẩn, virus và tuyến trùng.
      + Bẫy bả (Protein, chua ngọt) dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành;
      - Giống kháng: Có thể chọn kháng để gieo trồng trên đồng ruộng, nhằm tăng sức chống chịu với loại sâu này. Hoặc có thể sử dụng bắp chuyển đổi gen có chứa gen mã hóa endotoxin từ Bacillus thuringiensis Kurstaki đã được thương mại hóa.
      - Biện pháp dùng pheromone: Sử dụng pheromone giới tính nhằm hạn chế khả năng sinh sản của sâu, giảm khả năng gây hại của sâu keo mùa thu trên cây trồng.
      - Chương trình IPM: Kiểm soát tổng hợp sâu mùa thu thông qua các biện pháp: biện pháp canh tác để phá hủy nguồn sâu cư ngụ trên ký chủ phụ; xen canh, luân canh; sử dụng giống kháng sâu qua các cơ chế thông thường (bộ lá cứng) hoặc trồng cây chuyển gen Bt; sử dụng bẫy bả các loại nhằm tiêu diệt trưởng thành làm giảm mức độ gây hại; ngắt ổ trứng bằng tay hoặc kiểm soát sinh học bằng ong ký sinh, các loài bắt mồi ăn thịt, nấm, vi khuẩn, virus ký sinh,…
     - Biện pháp hóa học: chỉ sử dụng thuốc BVTV vật khi mật số cao và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Hiện tại Cục BVTV khuyến cáo tạm thời có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa 4 hoạt chất: Bacillus thuringiensis; Spinetoram; Indoxacarb và Lufenuron, để phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên diện rộng.
                                                                                      
                    
 Tài liệu tham khảo
      - Công văn số 1064/BVTV-TV của Cục Bảo vệ thực vật về việc ban hành QTKT phòng, chống sâu keo mùa thu. Ngày 03/5/2019
      - Công văn số 1066/BVTV-TV  của Cục Bảo vệ thực vật về việc sử dụng tạm thới thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu. Ngày 03/5/2019
     - Tài liệu tổng hợp về sâu keo mùa thu (Fall Armyworm-FAW). Cục BVTV (tháng 4/2019).


 
Th.S. Nguyễn Thị Lùng
                 Chi cục Trồng trọt và BVTV
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới