Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long
 Sáng ngày 23/7/2019, ông Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện FAO Việt Nam cùng cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đến khảo sát thực tế và làm việc với đại diện các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Trà Vinh về dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”, đây là dự án do quỹ Môi trường toàn cầu (Global Environment Facility-GEF)[i] tài trợ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đề xuất.          Từ năm 1992 đến nay, GEF hỗ trợ khoảng trên 4.000 dự án trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, GEF đã hỗ trợ 98 dự án (53 dự án quốc gia, 45 dự án khu vực), với số tiền khoảng 455 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: Biến đổi khí hậu, phục hồi sử dụng đất và đảm bảo lương thực.                     Về dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”, dự kiến sẽ triển khai tại 5 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang. Nội dung và ý tưởng dự án về các vấn đề: Môi trường và sinh thái, hệ thống lương thực (sản xuất lúa theo chuỗi tại Đồng bằng sông Cửu Long) và quy hoạch sử dụng đất.

Ông Albert T.Lieberg (giữa) làm việc tại Trà Vinh

Ba mục tiêu hướng tới  của dự án, gồm: Đa dạng hóa sinh học (duy trì, khôi phục và phát triển sinh thái của địa phương); Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (giảm khí hóa thạch, hiệu ứng nhà kính, phát thải); Giảm thoái hóa đất hoặc phục hồi đất. Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao mức sống của người dân và làm thế nào phát triển sản xuất chuỗi lúa mà không làm mất, suy giảm rừng.

Sẽ có 4 hợp phần của dự án đó là, (1) Nâng cao năng lực quản lý tổng quan tổng thể, trong đó xây dựng khung pháp lý hỗ trợ triển khai sản xuất lúa bền vững, trao đổi thông tin phối hợp giữa các ngành, hỗ trợ nông dân và cộng đồng quản lý sản xuất, quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp sản xuất lúa bền vững (2) Canh tác bền vững, hỗ trợ sản xuất (lúa) bền vững, gồm hỗ trợ chuỗi lúa, hỗ trợ nhân rộng mô hình (3) Bảo tồn và phục hồi môi trường, tập trung xây dựng năng lực, hỗ trợ tư nhân tham gia vào sản xuất lúa bền vững và (4) Quản lý, giám sát, đánh giá dự án.

Các hoạt động: Đang dạng sinh học trong các ngành nghề sản xuất; Thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, xây dựng chuỗi; Tạo lợi ích môi trường, kinh tế cho cộng đồng sẽ giúp dự án hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ông Albert T.Lieberg cho rằng, những vấn đề cần đặt ra cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh là phát triển số hóa, quản lý thông tin dữ liệu về sản xuất lúa theo chuỗi; đa dạng thu nhập của người dân, phát triển du lịch sinh thái thu hút khách quốc tế từ đó thu hút lao động “di cư” ra thành thị quay trở về nông thôn, nhưng đồng thời phải bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của địa phương.

Ông Albert T.Lieberg, cũng nêu rõ, dự án thực hiện trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Dự án chỉ đề xuất điều chỉnh (nếu có) về quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp hơn, tạo môi trường sản xuất lúa ổn định, an toàn (sản xuất hữu cơ), hiệu quả trong chuỗi lúa; thúc đẩy, phục hồi cảnh quan trong sản xuất sinh thái bền vững, đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng. Từ đó, sẽ tác động giảm phát thải, hiệu ứng nhà kính; giảm ô nhiễm đất, nguồn nước không khí; sản xuất không gây mất rừng và có thể khôi phục, trồng lại rừng.

[i] Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập (tháng 10/1991) trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992, để giúp giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất hành tinh. Kể từ đó, GEF đã tài trợ 14,5 tỷ $ và huy động 75,4 tỷ $ tài trợ bổ sung cho gần 4.000 dự án. GEF cũng đã trở thành đối tác quốc tế của 183 quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Nguồn: GIỚI THIỆU QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU TẠI VIỆT NAM, http://www.gef.monre.gov.vn/vi/gioi-thieu/, truy cập ngày 24/7/2019.

 
Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới