Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, đê điều

Theo báo cáo của các cơ quan khí tượng, thủy văn quốc gia và địa phương, hơn 10 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã có những diễn biến phức tạp, điển hình như sự gia tăng cả về tần số, cường độ và độ bất thường của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai. Đặc biệt trong mùa mưa bão, mưa lớn xảy ra trên diện rộng kèm theo giông lốc gây sạt lở đất xuất hiện nhiều hơn và bất ngờ. Năm 2018 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bị ảnh hưởng không nhỏ của mưa lớn, giông, lốc xoáy, bão, triều cường dâng cao cộng với nước thượng nguồn đổ về gây sạt lở bờ biển trên địa bàn huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, sạt lở bờ sông và tràn đê bao, bờ bao cặp ven sông Hậu trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và sạt lở bờ sông và tràn đê bao, bờ bao cặp ven sông Cổ Chiên trên địa bàn các huyện, Càng Long, Châu Thành, TP Trà Vinh. Hàng năm BĐKH gây ra xâm nhập mặn, mưa lớn, lốc xoáy, bão, triều cường gây thiệt hại không nhỏ cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là vùng ven sông và biển.
         Có thể thấy, tác động của BĐKH gây ảnh hưởng lớn, lâu dài đến đa dạng sinh học và tài nguyên đất, nước, rừng, các công trình thủy lợi, đê điều…, làm thay đổi lượng mưa, dòng chảy và phân bố mưa trên các vùng, tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.... Diễn biến bất thường của thời tiết do BĐKH có thể xảy ra đang tiềm ẩn gây nguy cơ làm ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế của địa phương, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người và sinh kế người dân.
        Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó BĐKH có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các biến động của thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa, bão, trong năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh, kịp thời khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê điều để đảm bảo an toàn, bảo vệ các tuyến đê, kè, ổn định dân sinh, phát huy tốt việc chống xói lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đối với các khu vực sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm có giải pháp gia cố trước thời điểm mưa bão, xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó, bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động thời tiết bất lợi để chủ động hơn trong công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai do mưa lớn, bão, triều dâng, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp có xảy ra thiên tai, phải kịp thời hướng dẫn địa phương ứng phó, đảm bảo hạn chế tối đa các ảnh hưởng thiệt hại; kịp thời báo cáo cấp trên để xử lý. Hiện nay, việc ứng phó với BĐKH còn gặp nhiều hạn chế, điều này do một số nguyên nhân như ý thức cộng đồng dân cư về BĐKH chưa cao, nhất là khả năng tiếp cận các thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai của người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH còn hạn chế... Thực tế cho thấy, nhờ chủ động phòng ngừa, ứng phó với BĐKH đối với công trình đê điều, thủy lợi do ảnh hưởng từ các biến động của thời tiết, thiệt hại đã giảm đáng kể. Trong mùa mưa bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành, thị triển khai ngay các biện pháp chủ động ứng phó thiên tai; sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời sửa chữa các công trình trường học, y tế, văn hóa bị ảnh hưởng, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Bên cạnh đó, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn khi cần thiết; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các bến đò ngang; rà soát, triển khai các phương án, biện pháp bảo vệ an toàn thủy lợi, đê điều, hồ đập, an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão, triều cường dâng cao.
          Một trong các giải pháp đặt ra trong giai đoạn hiện nay của tỉnh là khắc phục tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển bằng các giải pháp công trình và phi công trình cụ thể là nâng cấp, mở rộng các tuyến đê sông, đê biển; gia cố sạt lở bằng giải pháp kè mềm kết hợp với trồng rừng để chống xói lở…; thực hiện nạo vét, khai thông các tuyến sông, kênh, đặc biệt là tại các vị trí trọng điểm, tuyến sông lớn, từ đó cải thiện năng lực thoát lũ; đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện các công trình thủy lợi, đê điều, công trình giao thông… Chú trọng xây dựng những tuyến đường tránh bão, cứu nạn, cứu hộ, hệ thống các cầu giao thông nông thôn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa./.

 

Trần Văn Sao

Chi cục Thủy lợi

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới