Quản lý nuôi chim yến "nóng" về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi
 Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến, nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Trà Vinh, có 249 nhà yến và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều có nhà yến, nhiều nhất ở thành phố Trà Vinh 73 nhà yến, thấp nhất là huyện Cầu Kè 04 nhà yến (số liệu tháng 9/2019).
         Giống như các tỉnh trong nước, tỉnh Trà Vinh chưa có quy định vùng nuôi chim yến, thực trạng các nhà yến xen lẫn khu dân cư; chủ cơ sở nuôi chim yến không khai báo khi xây dựng nhà yến; trình độ, nghiệp vụ quản lý cán bộ lý còn hạn chế (chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến),…
         Theo Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) Chính phủ quy định chi tiết quản lý nuôi chim yến (khoản 4 Điều 64). Vì vậy, Hội nghị “Phát triển chăn nuôi lợn ATSH (an toàn sinh học) và chăn nuôi gia cầm đảm bảo bền vững góp ý cho các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi” tại tỉnh Bến Tre (ngày 06/9/2019) được rất nhiều đại biểu kỳ vọng sau Hội nghị sẽ nắm được rõ ràng hơn về quản lý nuôi chim yến.

Hình ảnh tại Hội nghị 

          Tại Hội nghị, mặc dù có 4 Nghị định và Thông tư lấy ý kiến của các đại biểu, nhưng hầu hết ý kiến đều tập trung cho dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi (dự thảo lần 3). Cụ thể là nội dung Điều 26 của Nghị định này về Quản lý nuôi chim yến, như: Vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tỉnh quyết định, đây là vấn đề không dễ vì chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chim yến; khu dân cư được xác định theo quy định nào (có rất nhiều quy định về “khu dân cư”). Nghề nuôi chim yến phát triển nhanh trong khi thiếu các hướng dẫn và quy định về mặt kỹ thuật dẫn đến lúng túng trong việc quản lý và nhất là xử lý nhà yến xây dựng trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Yêu cầu kỹ thuật tổ chim yến sau sơ chế quá cao và có những chỉ tiêu không nhất thiết bắt buộc phải có. Vệ sinh môi trường (tiếng ồn, chất thải), chim yến là động vật hoang dã bay lượn trên cao nên vấn đề đặt ra kiểm soát dịch bệnh sẽ thực hiện như thế nào. Không săn bắt hay cấm dẫn dụ chim yến ngoài mục đích để khai thác tổ yến (thí dụ: Ăn thịt, nghiên cứu khoa học). Chủ cơ sở thường không có mặt tại nhà yến (đóng cửa - NV) làm thế nào để kiểm tra, giám sát, đo cường độ âm thanh,…   


Một trong các nhà yến ở Trà Vinh

           Dẫn dụ, gây nuôi chim yến để khai thác tổ yến cho thu nhập cao (tại địa bàn Trà Vinh khoảng 20-25 triệu đồng/kg hoặc hơn tùy theo chất lượng) nhưng thời gian qua phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. Theo đánh giá tại Hội nghị, ngoài việc thiếu văn bản hướng dẫn, một số thách thức khác của nuôi chim yến hiện nay là chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng; chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tổ yến, chủ yếu xuất thô; thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loài chim yến nhà,…
          Mặc dù hầu hết các ý kiến đều được ghi nhận, giải đáp, tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn tính khả thi về nội dung quản lý nuôi chim yến khi Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành. Tuy vậy, thời gian đóng góp cho dự thảo Nghị định này (và 3 Nghị định, Thông tư còn lại) chưa kết thúc, mọi tổ chức, cá nhân vẫn có thể truy cập vào wesite http://cucchannuoi.gov.vn/ để tiếp tục thể hiện ý kiến của mình.


Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới