Trà Vinh hỗ trợ trên 2 tỷ đồng tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một trong những mục tiêu của Đề án đó là, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, (…), góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo (…) số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.  

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa IX ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 triển khai, thực hiện hỗ trợ một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020.

Sau hai năm triển khai Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND (2017-2018), toàn tỉnh đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên 12 tỷ đồng để trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái, vườn dừa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, trồng rau nhà lưới, đầu mối tiêu thụ rau an toàn và điểm tiêu thụ rau an toàn,... với diện tích 2.026 ha; trong đó hỗ trợ 0,77 tỷ đồng chuyển đổi 258 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Có 4 huyện hỗ trợ trồng rau nhà lưới và 4 huyện hỗ trợ nội dung thuê, xây mới cửa hàng kinh doanh rau an toàn.

Huyện Cầu Kè, đứng đầu toàn tỉnh, hỗ trợ trên 5,93 tỷ đồng, diện tích 720 ha, tiếp đến là huyện Trà Cú 2,1 tỷ đồng, diện tích 540 ha; các huyện còn lại từ 0,21-1,63 tỷ đồng, diện tích từ 0,4-371 ha.
 Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu

Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp được sự đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia của người dân, từng bước cơ cấu lại cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, liên kết trong sản xuất với quy mô lớn tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn cung cấp cho thị trường, làm nền tảng tiến tới xây dựng nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm; giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó còn góp phần hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỉnh Trà Vinh có 42/86 xã nông thôn mới, đạt 48,84%; với kết quả này, tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng đạt (và vượt) mục tiêu 50% số xã nông thôn mới vào năm 2020. Về tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) giảm từ 11,16% năm 2016[i] còn 5,95% vào cuối năm 2018, không còn hộ đói[ii].
Trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Đặc trưng sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro cao, dễ bị tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư; sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, diện tích đất của nông hộ ít, manh mún; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, nhưng thời gian qua thiếu các doanh nghiệp ký kết, liên kết bao tiêu sản phẩm, nếu có thì hầu hết không bền vững,...

Trong thời gian tới, tỉnh Trà Vinh vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá nhằm đúc kết những bài học kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là một trong 4 quan điểm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Chính phủ[iii].

 

[i] Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH ngày 22/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

[ii] Nguyễn Văn Bé - Phó Chánh VP Sở, Những thành tựu nổi bật của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh từ khi tái lập tỉnh (1992) đến năm 2018, http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/soldtbxh/, truy cập ngày 26/8/2019.

[iii] Quan điểm tái cơ cấu theo Quyết định số 899/QĐ-TTg: ”đ) Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan”.
 

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới