Tổng kết công tác chất lượng, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp năm 2022

    Ngày 06/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2022 và triển khai  Kế hoạch đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023. Tham dự hội nghị gồm các cơ quan của Bộ Y tế, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT/Ban quản lý ATTP, Cơ quan được giao trách nhiệm quản lý chất lượng nông lâm thủy sản các tỉnh/thành phố; Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện một số hiệp hội, ngành hàng; cơ quan báo chí, truyền thông,…

         Theo báo cáo tại hội nghị, công tác chất lượng, ATTP lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện thông qua các Đề án, Chương trình về sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn và kiểm soát ATTP từ gốc và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có  2.510 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì (tăng 65,4 % với năm 2021) 244.189,2 ha cây trồng (với 13.272 doanh nghiệp/cơ sở) được chứng nhận VietGAP và tương đương (số cơ sở tăng 46,7 % với năm 2021); diện tích nuôi trồng thủy sản là 89.119,9 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng hơn so với năm 2021 (16.991 ha) với 847 cơ sở được chứng nhận (năm 2021 là 624 cơ sở); 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng hơn so với năm 2021 (924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi)); có 8.689 sản phẩm đạt chuẩn “OCOP 3 sao” trở lên (tăng 33,7% so với năm 2021 (6.500 sản phẩm); Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là có 71,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2021 là 68,2%) và đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo ATTP.

         Công tác giám sát chất lượng, ATTP tiếp tục duy trì và tăng cường, trong năm 2022 đã lấy 2.916 mẫu thủy sản nuôi giám sát vệ sinh ATTP, phát hiện 49 mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 1,6% (tăng hơn năm 2021 là 1,39%); 5/350 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phát hiện vi sinh vật (E.coli) chiếm 1,42% (giảm so với năm 2021 là 1,7%); Đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, phát hiện 06/647 mẫu vi phạm (chiếm 0,92%); lấy và phân tích 962 lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa và phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 01 mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%). Bên cạnh đó, các địa phương lấy 35.506 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, qua phân tích phát hiện 1.384 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 3,89% (giảm so với 4,2% năm 2021). Đối với các mẫu giám sát ATTP vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Sản phẩm Mật hoa dừa được xác nhận chuỗi liên kết ATTP

    Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, công tác chất lượng, ATTP lĩnh vực nông nghiệp cũng được tăng cường, trong năm 2022,  đã phát triển thêm được 4 chuỗi liên kết, cung ứng ATTP, bao gồm 03 chuỗi Gạo với sản lượng 440 tấn /năm và 01 chuỗi thịt với sản lượng 08 tấn /năm (nâng số chuỗi ATTP lên 11 với 22 sản phẩm, sản lượng 710, 4tấn/năm). Hiện nay, toàn tỉnh có 25.245 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 5.910 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,91 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 7.452,19 ha (dừa hữu cơ 4.938,56 ha, lúa hướng hữu cơ 2.891,19 ha, rau an toàn 142 ha, cây ăn trái GAP 407 ha) và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 11.014 ha), chiếm gần 10% diện tích sản xuất nông nghiệp. Việc hình thành được các chuỗi liên kết đã giúp tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, kết nối người sản xuất và kinh doanh trong việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị.

    Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 100% tổng số xã, các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo ATTP. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),  công nhận 107 sản phẩm, đến nay toàn tỉnh có 187 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó: có 09 sản phẩm 5 sao, 37 sản phẩm 4 sao và 141 sản phẩm 3 sao của 129 chủ thể (21 công ty, 03 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã và 86 hộ kinh doanh). Công tác lấy mẫu giám sát chất lượng và ATTP, đã lấy 250 mẫu thực phẩm để giám sát chỉ tiêu chất lượng và ATTP. Qua kết quả kiểm nghiệm, phát hiện 10 mẫu không đạt (chiếm 4%, tăng  0,9% so với năm 2021).

    Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp của cả nước nói chung và Trà Vinh nói riêng cũng còn hạn chế như (1) Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa nhiều; (2) diện tích sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn ít; (3) các mô hình có hiệu quả nhân rộng còn chậm (4)  nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi chưa đạt yêu cầu; (5) tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết sản xuất; chất lượng sản phẩm không đồng nhất dẫn đến khó tập hợp được sản lượng lớn đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp và (6) việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn chậm, thiếu sáng tạo, đổi mới.

    Để thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm (1) Ổn định tổ chức bộ máy, nguồn lực quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; (2) Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững; (3) Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; (4) Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo qui định; (5) Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP và (6) Chủ động kịp thời xử lý sự cố ATTP, đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn:

1. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2023). Tài liệu Hội nghị “Báo cáo tổng kết công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản 2022, kế hoạch trọng tâm 2023”.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh (2023). Tài liệu Hội nghị “Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

 

                                                                                                                           Sơn Sâm Phone

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới