Tập huấn cho cán bộ kiểm tra chất lượng công trình khí sinh học và thợ xây, thợ lắp đặt

         Trong khuôn khổ Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV (SNV) triển khai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ngày 15 và 16/8/2022, SNV phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ kiểm tra chất lượng công trình khí sinh học và thợ xây, thợ lắp đặt. Ngoài 29 cán bộ, thợ xây, thợ lắp đặt của tỉnh Trà Vinh, lớp tập huấn còn có sự tham dự của thợ xây, thợ lắp đặt đến từ các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang.

         Nội dung lớp tập huấn, gồm: Giới thiệu Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp”; Cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF, cơ hội lớn dành cho thợ xây, thợ lắp đặt; Giới thiệu gói nghiệm thu theo cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF. Trong đó, lớp tập huấn tập trung hướng dẫn thợ xây, thợ lắp đặt sử dụng điện thoại thông minh cài đặt phần mềm, tạo tài khoản cấp mã số, gửi dữ liệu nghiệm thu và kiểm tra chất lượng công trình khí sinh học. 

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
 phát biểu khai mạc lớp tập huấn

         Tham gia Dự án, thợ xây, thợ lắp đặt được nhận một khoản khuyến khích là 01 triệu đồng cho mỗi công trình khí sinh học/hộ dân xây dựng hoặc lắp đặt được và đạt các yêu cầu Dự án. Khoản khuyến khích RBF này giống như một khoản thưởng cho thợ xây, thợ lắp đặt vì chịu rủi ro cao hơn trong việc đầu tư trước. Giúp cho các thợ xây, thợ lắp đặt gia tăng số công trình và các dịch vụ liên quan đến khí sinh học mà họ đang làm. Đồng thời, tăng cường vai trò của khối tư nhân, giảm thiểu vai trò của các dự án và nhà nước liên quan đến lĩnh vực khí sinh học; tăng tính sở hữu, năng lực và trách nhiệm của các thợ xây, thợ lắp đặt. Dự án cũng đưa ra cơ chế xử phạt đối với những trường hợp gian lận, đó là: Công trình được xây dựng/lắp đặt theo thiết kế chưa được Dự án chấp nhận; công trình chưa được xây dựng/lắp đặt hoàn thành,…

         Công trình khí sinh học đạt yêu cầu Dự án là công trình kiểu KT1, KT2 hoặc công trình composite được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thể tích (cỡ) của công trình khí sinh học phải từ 6m3 đến 50m3 đối với kiểu KT1 hoặc KT2, còn đối với công trình composite phải từ 5,3m3 (bể phân giải có đường kính 2,25 m) trở lên. Công trình có thể hoạt động bình thường sau khi xây dựng/lắp đặt xong; nắp bể điều áp được làm chắc chắn, an toàn và giúp cho việc bảo dưỡng bể thuận tiện. Công trình khí sinh học không bị quá tải; cỡ công trình phải phù hợp với số lượng vật nuôi của hộ dân, lượng chất thải của tổng số vật nuôi không vượt quá năng lực xử lý của bể phân giải.

Một số kiểu công trình composite (Nguồn: Tài liệu lớp tập huấn)

         Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” nhằm để khai thác lợi ích của việc xây dựng các công trình khí sinh học đóng góp trong lĩnh vực chăn nuôi phát thải thấp và nâng cao năng lực cho thợ xây, thợ lắp đặt phát triển công nghệ và nhân rộng các thành tựu của ngành khí sinh học. Dự án bắt đầu từ năm 2021, chia thành 3 giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2026, đạt 50.000 công trình tại 40 tỉnh trong cả nước. Riêng tỉnh Trà Vinh 4.000 công trình (hoặc hơn tùy theo nhu cầu và khả năng thực hiện), Trà Vinh cũng là tỉnh đầu tiên triển khai và xây dựng công trình khí sinh học đầu tiên của Dự án.

         Theo số liệu thống kê, đến tháng 7/2022, tỉnh Trà Vinh có khoảng 136.000 hộ chăn nuôi, tổng đàn heo khoảng 270.820 con, bò 240.650 con, dê 22.000 con và 7,2 triệu con gia cầm các loại. Giai đoạn 2007-2020, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án về lĩnh vực khí sinh học và Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng khoảng 13.500 công trình khí sinh học. Kết quả này từng bước cải thiện môi trường chăn nuôi, môi trường sống của người dân và góp phần vào xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Hiện tại, các chương trình, dự án về lĩnh vực khí sinh học và Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã kết thúc. Qua đề nghị của các địa phương, nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học vẫn còn tiếp tục. Do vậy, Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” do SNV triển khai thực hiện là rất thiết thực và phù hợp với thời điểm hiện nay. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình khí sinh học phục vụ hoạt động kiểm kê khí nhà kính từ ngành chăn nuôi cấp tỉnh.

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới