Giải pháp để số hóa dữ liệu chuyển đổi số trong nông nghiệp

         Tại Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về chuyển đổi số trong nông nghiệp, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Dự án SME Trà Vinh tổ chức, ngày 03/8/2022. Một thông tin đáng chú ý, đó là, Dự án ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị sản phẩm trái cây ở một tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rất được kỳ vọng sẽ là mô hình điểm để triển khai nhân rộng, nhưng Dự án đang gặp trở ngại, vì không có thông tin để… truy xuất nguồn gốc. 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT RYNAN Technologies,
 trình bày về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Hội nghị

         Mặc dù, Dự án đã có nhiều cố gắng đơn giản hóa tối đa công đoạn “số hóa dữ liệu” để hộ dân dễ dàng áp dụng (3 bước chuyển đổi số, gồm: Số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và điều hành số). Thí dụ, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hộ dân chỉ đơn giản chụp hình nhãn hiệu thuốc và “gửi” lên phần mềm mà không cần phải thực hiện những thao tác phức tạp khác. Tuy nhiên, khi Dự án kết thúc, hộ dân cũng “buông” theo, một trong những lý do hộ dân không còn số hóa dữ liệu vì hầu hết là người lớn tuổi khó tiếp cận công nghệ. Do vậy, Dự án vẫn chưa thể kết thúc được, mà phải tiếp tục cử nhân viên hỗ trợ để duy trì kết quả của Dự án.

         Số hóa dữ liệu trong nông nghiệp luôn là vấn đề khó. Có thể do doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ dân chưa thấy được vai trò, sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; do hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp để tích hợp, chia sẻ chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp; hoặc người dân còn hạn chế và chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số,…

Tại “Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022”, có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp nên và cần tập trung đầu tư cho doanh nghiệp, HTX (doanh nghiệp) sẽ hiệu quả hơn là triển khai “đại trà, đồng loạt” khi hiện nay sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; hộ dân chưa thấy được lợi ích, chưa quan tâm. Đầu tư cho doanh nghiệp có “đủ lực và đủ mạnh” sẽ tạo lợi thế cho đầu ra của sản phẩm; sản phẩm được sản xuất tập trung và có số lượng lớn; chất lượng sản phẩm được kiểm soát, an toàn và ổn định,… Muốn đạt được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để chủ động sản xuất, thường xuyên ứng dụng và đổi mới khoa học công nghệ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn. 

Mô hình tổng quan và giải pháp chuyển đổi số ngành nông nghiệp 

 (Nguồn: SDT tại “Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022”)

 

         Hộ dân hợp tác hoặc tham gia “góp vốn” với doanh nghiệp bằng đất sản xuất và sản xuất theo quy trình của doanh nghiệp. Cũng có thể, doanh nghiệp thuê đất của hộ dân, sau đó “mướn” lại hộ dân sản xuất theo quy trình của doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho công tác giám sát, công tác quản lý, thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Đây là mô hình bước đầu đã và đang đem đến sự thành công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, như: HTX nông nghiệp Long Hiệp với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm với thương hiệu Mật Hoa Dừa hay Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh với thương hiệu Gạo Quê tôi,… Và đây cũng là hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số địa phương hiện nay, sẽ tập trung hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh từ đó nhân rộng.

         Ý kiến khác thì đề xuất, nên tăng cường giải pháp về công nghệ để hộ dân có thể áp dụng. Thí dụ, Mô thức nuôi tôm thẻ mới TOMGOXYTM (đã đăng ký thương hiệu) mà RYNAN đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để tháo gỡ 6 thách thức đối với ngành tôm nước lợ hiện nay, trong đó có thách thức “khó truy xuất nguồn gốc”. Với TOMGOXYTM gần như tất cả các công đoạn trong nuôi tôm đều được tự động hóa, rất dễ thực hiện và dễ kiểm soát trong quá trình nuôi. Nếu hộ dân áp dụng thì hầu như không phải nhập liệu, vì số hóa dữ liệu hầu hết được tự động thực hiện. Đến nay RYNAN đã triển khai được 11/14 ao theo kế hoạch.   

Ao nuôi tôm thẻ thâm canh TOMGOXYTM với các thiết bị điều khiển, kiểm soát tự động
 (Nguồn: Nguyễn Thanh Mỹ, 2022)

         Như vậy, số hóa dữ liệu chuyển đổi số trong nông nghiệp thì tùy theo lĩnh vực cụ thể mà có cách thức tiến hành cho phù hợp. Ghi nhận tại Hội thảo xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND (cũng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Dự án SME Trà Vinh tổ chức, ngày 21/7/2022), các doanh nghiệp cùng ngành hàng lúa gạo và rau trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, bước đầu đã “bắt tay” liên kết. Doanh nghiệp có đầu ra tốt cho sản phẩm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra. Một trong những điều kiện ràng buộc là doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra phải sản xuất tuân thủ theo quy trình và phải chịu sự giám sát trong sản xuất của doanh nghiệp có đầu ra tốt cho sản phẩm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn khi số hóa dữ liệu ngành hàng lúa gạo và rau của tỉnh.

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới