Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại huyện Càng Long

         Ngày 19/5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện và công bố quyết định thành lập Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện.

         Từ năm 2019, các trạm: Chăn nuôi và Thú y - Khuyến nông - Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được thí điểm hợp nhất thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Càng Long. Sau thời gian thí điểm hợp nhất, do yêu cầu về bộ máy tổ chức và hoạt động chăn nuôi thú y trên địa bàn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y được (tái) thành lập với 05 công chức (gồm: 01 trưởng Trạm, 01 phó Trưởng Trạm và 03 công chức chuyên trách), địa điểm làm việc tại khóm 2, thị trấn Càng Long. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đi vào hoạt động sẽ kịp thời tham mưu, triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương, giúp người chăn nuôi bảo vệ thành quả sản xuất.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y; UBND huyện Càng Long;
 phòng Nông nghiệp và PTNT; UBND, cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn;
 Trạm Chăn nuôi và Thú y dự triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

         Theo chỉ tiêu phát triển chăn nuôi được giao trong năm 2022, tổng đàn gia súc của huyện Càng Long là trên 77.000 gia súc và gần 2.000.000 gia cầm. Ở những tháng đầu năm, ngoài bệnh Dịch bệnh heo Châu Phi xảy ra tại một số xã, các loại dịch bệnh khác trên địa bàn huyện vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh so với tổng đàn của huyện còn thấp, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở những tháng còn lại của năm 2022, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn cần tập trung:

          - Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các quy trình phòng, chống dịch bệnh như: Chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng văc-xin theo đúng quy trình, định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi,… để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

         - Tổ chức triển khai tiêm phòng các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm, bệnh Dại,… đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra. Phải thống kê đàn vật nuôi trước khi tiêm phòng, để đánh giá chính xác tỷ lệ tiêm phòng.

         - Triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo kế hoạch đã được phê duyệt, thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

 MINH HẬU

 Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới