Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và Tổ chức phát triển Hà Lan đến làm việc với Trà Vinh về dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

         Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (5/1992-5/2022), để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút các nguồn lực kinh tế tư nhân đầu tư dự án vào Trà Vinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kêu gọi 09 dự án đầu tư vào lĩnh vực Du lịch và Lĩnh vực Nông nghiệp (Kế hoạch số 22/KH-SKHĐT ngày 16/3/2022 tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh năm 2022). Dự án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa lưới sử dụng công nghệ thâm canh theo chiều thẳng đứng là một trong số 05 dự án tập trung kêu gọi đầu tư về lĩnh vực Nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan vụ chuẩn bị nội dung thông tin dự án và mời Công ty cổ phần Orlar Việt Nam làm việc, khảo sát thực địa để thống nhất dự án.

         Vừa qua (ngày 28/3/2022), Đoàn Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) do bà Jacquie O’Hara, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Orlar Việt Nam cùng các thành viên Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV đến để tìm hiểu các thủ tục kinh doanh, khảo sát thêm các địa điểm tiềm năng cho dự án nông trại rau củ quả công nghệ cao tại tỉnh Trà Vinh. Tiếp đón và làm việc với Đoàn Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV gồm đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.

Đoàn Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV làm việc
  tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 28/3/2022

          Dự kiến, dự án nông trại rau củ quả công nghệ cao sẽ triển khai mô hình trồng rau củ quả trong nhà lưới (cụ thể, sẽ sản xuất dưa lưới sử dụng công nghệ thâm canh theo chiều thẳng đứng). Diện tích đất để triển khai dự án khoảng 02 ha. Năm đầu tiên dự án sử dụng khoảng 0,5 ha, sau đó nhân rộng mô hình lên 02 ha vào năm kế tiếp. Khu vực triển khai dự án là diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đem lại lợi nhuận không cao cho người sản xuất. Ngoài ra, khu vực triển khai dự án cũng phải đáp ứng các yếu tố liên quan đến giao thông, khí hậu,… Dự án là cơ hội phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đồng thời tạo cơ hội cho người sản xuất có thu nhập thấp đạt được nhiều thuận lợi hơn mong đợi. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long, Trà Vinh là điểm đầu tiên Công ty cổ phần Orlar Việt Nam triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

         Đây là buổi làm việc thứ hai Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV với tỉnh Trà Vinh. Tại buổi làm việc lần này, sau khi trao đổi cùng đại diện các Sở, ngành, địa phương, Đoàn Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV đến khảo sát thực địa tại huyện Châu Thành. Trước đó (ngày 19/01/2022), Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV đã làm việc với tỉnh và khảo sát thực địa tại huyện Cầu Ngang.

Đoàn Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV khảo sát thực địa tại huyện Châu Thành

         Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng cạnh tranh trên thị trường…” và “…Xây dựng Làng Khởi nghiệp xanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp…”. Cụ thể hơn, tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 23/01/2017 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030, xác định một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 “Toàn tỉnh có ít nhất 5% diện tích sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao; Gia tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế từ 15% trở lên, tăng giá trị thu nhập từ 50% trở lên trên cùng một diện tích, nhóm sản phẩm so với sản xuất chưa ứng dụng công nghệ cao”, và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh“Có ít nhất 20% diện tích sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao; Tăng giá trị thu nhập từ 70% trở lên trên cùng một diện tích, nhóm sản phẩm so với sản xuất chưa ứng dụng công nghệ cao”.

         Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,…

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới