Một số khó khăn khi thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

         Ngày 04/11/2021, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hơp tổ chức Hội thảo (trực tuyến) tập huấn cung cấp, chia sẻ thông tin và thảo luận về các kinh nghiệm trong phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019  của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Hội thảo tập huấn về bảo hiểm nông nghiệp (Ảnh chụp qua màn hình Hội thảo)

 

         Chính sách bảo hiểm nông nghiệp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau (cây trồng), trâu, bò, lợn, gia cầm (vật nuôi), tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra (nuôi trồng thủy sản). Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tối đa 90% cho hộ nghèo, cận nghèo và tối đa 20% cho hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, các tổ chức sản xuất theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ gồm rủi ro về thiên tai và rủi ro về dịch bệnh, theo địa bàn được cấp thẩm quyền quy định.

         Tại Trà Vinh, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp chỉ hỗ trợ rủi ro về thiên tai cho đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi tại địa bàn 05 huyện, thị xã, gồm: Thị xã Duyên Hải (các xã: Long Toàn, Long Hữu, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành và phường 1, phường 2), huyện Duyên Hải (các xã: Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải, Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu và thị trấn Long Thành), huyện Cầu Ngang (các xã: Kim Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, Long Sơn, Thuận Hòa, Mỹ Hòa và thị trấn Cầu Ngang), huyện Trà Cú (các xã: An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn, Hàm Tân, Đại An, Định An và thị trấn Định An) và huyện Châu Thành (các xã: Hưng Mỹ, Hòa Minh, Long Hòa, Phước Hảo và Hòa Thuận).

        Ý kiến từ Hội thảo cho rằng mức độ tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân thời gian qua chưa như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này, cụ thể đối với công tác tuyên truyền đó là, tuyên truyền chưa nhiều, chưa rộng, chưa đủ tài liệu, chưa đủ kinh phí và chưa tập trung cho đối tượng là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo kinh nghiệm của một số địa phương thì đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã giữ vai trò quan trọng, là người tuyên truyền, vân động, “đối thoại” trực tiếp với tổ chức, cá nhân tham gia bảo biểm. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nắm rõ về bảo hiểm thì mới tuyên truyền, đối thoại tốt và vận động được tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên thời gian qua việc giáo dục, tập huấn chương trình bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn ít hoặc chưa được quan tâm đúng mức.

 

Lợi ích của bảo hiểm thủy sản đối với nông dân (Nguồn: Tài liệu Hội thảo)

 

         Một nguyên nhân khác là sản phẩm bảo hiểm chưa phong phú, thí dụ, cần chia bảo hiểm theo mùa vụ sản xuất để tổ chức, cá nhân dễ tham gia thay vì phải bảo hiểm theo năm. Hoặc bảo hiểm theo quy trình sản xuất theo từng mùa vụ, từng vùng thì việc xác định “đúng, sai” dễ dàng hơn, khách quan hơn, tự do, không áp đặt. Những doanh nghiệp hoặc đơn vị có năng lực tự đưa ra quy trình sản xuất, cơ quan quản lý xem xét phê quyệt phổ biến cho tổ chức, cá nhân áp dụng và doanh nghiệp bảo hiểm. Bảo hiểm theo quy trình sản xuất sẽ khắc phục được việc gặp khó khi đánh giá rủi ro trong nông nghiệp. 

       Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ cũng làm cho tổ chức, cá nhân chưa “mặn mà” tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Vì, tổ chức, cá nhân không phải đóng phí, nhưng nếu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh được công bố theo quy định pháp luật thì (vẫn) được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu.

         Đối với tỉnh Trà Vinh, từ khi triển khai Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg đến nay chưa có tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia. Một trong những nguyên nhân đó là đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ hẹp (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ chỉ là rủi ro về thiên tai (không bao gồm rủi ro về dịch bệnh).

         Hiện tại, hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2022. Dự thảo Quyết định sẽ khắc phục một số khó khăn khi thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp vừa qua, đồng thời bổ sung thêm nội dung về sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, lồng ghép tín dụng,… để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

 

Văn Đoái

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới