Diễn đàn Chuyển đổi số trong Nông nghiệp Việt Nam 2021: Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19
       Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP nhưng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho xuất khẩu nông sản gặp nhiều trở ngại, bên cạnh đó là tác động của thiên tại và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi càng gây thêm khó khăn cho nông nghiệp. Để tháo gỡ, thì cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, vấn đề chuyển đổi số được xem như là giải pháp hiệu quả hữu hiệu trong thời gian tới. 

         Chính vì vậy, ngày 16/9/2021, Bộ Ngoại giao đã tổ chức qua hình thức trực tuyến “Diễn đàn Chuyển đổi số trong Nông nghiệp Việt Nam 2021: Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”. Thành phần tham dự Diễn đàn gồm: Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương; đại diện các tập đoàn, công ty, trường đại học quốc tế, các Hiệp hội, các tỉnh, thành phố trong cả nước,… 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan 
 phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh chụp qua màn hình)

 

         Tại điểm cầu Trà Vinh, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, cùng đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Trường Đại học Trà Vinh và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

         Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số là bức thiết, phải làm và phải làm nhanh. Từ Nghị quyết của Đảng cho tới Chương trình hành động của Chính phủ đều xác định Việt Nam tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong bối cảnh hiện nay, không thể chần chừ, do dự, bỏ lỡ thời cơ, chuyển đổi số sẽ có thêm cơ hội tăng tốc. Theo ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyển đổi số để thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, 2045 là nước phát triển thu nhập cao.

Đại biểu tại điểm cầu tại Trà Vinh tham dự Diễn đàn

         Lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp là: Cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng và thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên hay tăng năng suất lao động,... những điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.

         Những ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang áp dụng như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo, sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, thiết bị bay không người lái (UAV), công nghệ mã vạch, công nghệ GIS, ảnh viễn thám,…Tại Trà Vinh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đó là: Công nghệ tưới phun tự động, hệ thống quan trắc-ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống giám sát côn trùng thông minh, công nghệ số trong nuôi tôm, thiết bị UAV,…

         Qua kết quả từ diễn đàn cho thấy, để chuyển đổi số trong nông nghiệp, Việt Nam cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, theo đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin hiện nay chưa đáp ứng tốt cho việc chuyển đổi số (cơ sở hạ tầng yếu, giá cước cao). Có giải pháp để người dân có thể tiếp cận ứng dụng được công nghệ số, đồng thời phải quan tâm đến những đối tượng yếu thế, do trình độ chung của người dân trong tiếp cận thông tin còn có khoảng cách. Cần xác định vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp dẫn dắt chuyển đổi công nghệ số, vì doanh nghiệp có tầm nhìn về sản phẩm, doanh nghiệp tạo sự liên kết, tư vấn hỗ trợ cho người dân về thiết bị một cách đồng bộ, hỗ trợ nguyên vật liệu và đồng thời kiểm soát một cách bài bản về sản phẩm đầu vào - đầu ra. Cần phải có sàn giao dịch thương mại để kết nối thị trường. Và, các chương trình, chính sách của Trung ương, của địa phương cần đưa hàm lượng công nghệ “thông minh” vào sản phẩm.

 

Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới