Chăn nuôi nông hộ phải hướng tới chuyên nghiệp, bền vững

         Đây là ý kiến tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức[i] về Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ[ii]. Tại tỉnh Trà Vinh, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg được cụ thể hóa bằng Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 29/7/2015 và Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh[iii].

 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến  
 phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh chụp quan màn hình Hội nghị)

         Sau gần 6 năm triển khai Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc đạt 832,781 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ phối giống tinh nhân tạo cho heo nái được 1,84 triệu con, với 5,062 triệu liều tinh, số tiền 218,474 tỷ đồng; Hỗ trợ phối giống tinh nhân tạo cho trâu cái, bò cái 1,913 triệu (lượt) con, 2,714 triệu liều tinh, số tiền 258,543 tỷ đồng; Hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm 148.476 con, số tiền 25,132 tỷ đồng; Hỗ trợ xử lý chất thải, đệm lót sinh học 167.021 công trình, số tiền 177,211 tỷ đồng; Hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên 1.135 người, số tiền 6,135 tỷ đồng; Hỗ trợ khác số tiền 147,246 tỷ đồng[iv]. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từ năm 2016-2020, tổng kinh phí toàn tỉnh đã giải ngân 48,509 tỷ đồng để thực hiện các hỗ trợ: Hỗ trợ phối giống tinh nhân tạo cho 7.813 con bò cái, 10.075 liều tinh, số tiền 1,272 tỷ đồng; Hỗ trợ mua con giống gia súc 43 con, số tiền 0,649 tỷ đồng; Hỗ trợ xử lý chất thải, đệm lót sinh học 9.179 công trình, số tiền 45,829 tỷ đồng; Hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên 40 người, số tiền 0,233 tỷ đồng; Hỗ trợ mua bình Nitơ lỏng 96 bình, số tiền 0,480 tỷ đồng[v].

         Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp; tăng giá trị các sản phẩm chủ lực có tiềm năng kinh tế[vi]; từng bước chuyển đổi từ năng suất sang chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đồng thời, cải thiện và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, thu nhập cho nông hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo,... Đối với tỉnh Trà Vinh, chính sách hỗ trợ còn góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí thứ 17 Môi trường trong 19 Tiêu chí xây dựng nông thôn mới), do các công trình khí sinh học (biogas) giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nông thôn. Cụ thể, môi trường chăn nuôi ngày càng được cải thiện, tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch năm 2020 ước đạt 92% tăng gần 30% so với năm 2016[vii].

Bê lai Charolais từ gieo tinh nhân tạo tại huyện Châu Thành

         Bên cạnh kết quả đạt được, một số hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, đó là: Phạm vi, đối tượng thụ hưởng hẹp, như về hỗ trợ gia súc giống chỉ thực hiện ở địa bàn khó khăn và mỗi đối tượng được hưởng duy nhất một hỗ trợ. Mức hỗ trợ nhìn chung không cao, ngoài tỉ lệ phần trăm được hỗ trợ còn bị khống chế kinh phí tối đa, thủ tục thanh quyết toán phức tạp. Nhiều chính sách chưa thật sự phù hợp thực tế hoặc phù hợp với địa phương như mua trâu đực giống, gieo tinh trâu, gieo tinh heo, mua gia cầm giống tám tuần tuổi. Tỉnh không tự quyết định để chọn lựa chính sách hỗ trợ phù hợp với định hướng phát triển, thế mạnh chăn nuôi. Mặc còn hạn chế, nhưng hầu hết ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá cao về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg và kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách cho giai đoạn 2021-2025.  

Bê lai Brahman từ gieo tinh nhân tạo tại huyện Cầu Ngang

         Từ trước đến nay, vai trò của chăn nuôi nông hộ rất quan trọng đối với đời sống, xã hội, đảm bảo nguồn cung ứng thịt, trứng và góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành chăn nuôi hàng năm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid hiện tại, chăn nuôi nông hộ là nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ, cung cấp lao động tại chỗ hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Cả nước, ước tính có trên 10 triệu nông hộ sống bằng nghề chăn nuôi, Trà Vinh ước khoảng 135.000 hộ, chăn nuôi nông hộ là một “kênh” giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn, đây cũng là nguồn thu nhập hàng ngày, sinh kế chủ yếu của hàng triệu người. Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ còn mang tính truyền thống lâu đời và chịu ảnh hưởng rất lớn từ tập quán tiêu dùng (thí dụ, tập quán sử dụng thịt tươi sau giết mổ), tập quán sinh sống của người dân nông thôn, nên không thể “xóa bỏ” một sớm, một chiều.

         Có không nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg đã tạo một “cú hích” rất lớn (với kết quả nêu trên). Tuy vậy, khi hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg xem như đã hoàn thành vai trò “lịch sử”. Việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 sẽ cần có sự thay đổi về nội dung hỗ trợ cho phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ[viii]. Cụ thể, làm thế nào để chăn nuôi nông hộ phải chuyên nghiệp, bền vững, không “phập phồng giải cứu”, không “chạy theo phong trào”. Nghĩa là, chăn nuôi nông hộ phải có kế hoạch, phải theo quy trình (chăn nuôi an toàn, chăn nuôi hữu cơ,…), kiểm soát được dịch bệnh, môi trường không bị ô nhiễm; phải xây dựng được chuỗi, liên kết, xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng nuôi; chăn nuôi phải có đăng ký, kiểm soát được quy mô đàn,... Một vấn đề cần lưu ý là chăn nuôi nông hộ chịu sự rủi ro nhất khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2021-2025, có thể không ban hành chính sách hỗ trợ theo khung chung áp dụng cho cả nước mà nên theo vùng sinh thái; cần bổ sung thêm chính sách khuyến khích nông hộ phát triển giống vật nuôi bản địa, giống vật nuôi quý hiếm; chính sách phát triển xuất khẩu để giải quyết đầu ra, phát triển nguồn/vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mặc dù Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn phải nhập khẩu, số liệu năm 2020, Việt Nam nhập trên 20 triệu tấn, giá trị khoảng 6 tỷ đô la Mỹ; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc là một trong những lý do “đẩy” giá thức ăn chăn nuôi tăng từ đầu năm 2021 đến nay. Vấn đề cấp thiết khác, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng cơ sở sản xuất giống tại chỗ, chính sách để nông hộ tiếp cận vốn và nâng cao kiến thức, kỹ thuật về chăn nuôi,… Đây là những vấn đề còn thiếu và cũng là nguyên nhân góp phần tác động đến kết quả thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg.

         Như vậy, qua Hội nghị, vai trò, tầm quan trọng của chăn nuôi nông hộ tiếp tục được khẳng định và hiệu quả của chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 được đánh giá cao. Trong thời gian tới (giai đoạn 2021-2025), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đẩy mạnh chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ là rất quan trọng và sẽ sớm hướng dẫn các địa phương về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ. Đồng thời Bộ báo cáo, trình Chính phủ ban hành văn bản thay thế, bổ sung Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg. Nếu chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ được tiếp tục thì không chỉ là tin vui của nông hộ chăn nuôi tỉnh Trà Vinh mà còn là niềm vui chung cho nông hộ chăn nuôi của cả nước.



[i] Hội nghị tổ chức vào ngày 11/6/2021, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì. Tại điểm cầu Trà Vinh do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đông chủ trì, cùng đai diện các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các phòng, đơn vị trực thuộc tham dự. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đông đã trình bày tham luận tại Hội nghị. Bài viết sử dụng thông tin từ Hội nghị

[ii] Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020

[iii] Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 29/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức hỗ trợ các loại vật tư, con giống, công trình xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Ban hành Quy định hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 (thay cho Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 29/7/2015)

[iv] Báo cáo của Cục Chăn nuôi (2021)

[v] Báo cáo số 155/BC-SNN ngày 10/3/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[vi] Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, tỉnh Trà Vinh có một số sản phẩm như: Gạo, rau và quả, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm

[vii] Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 11/6/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017-2020

[viii]Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 25/3/2021 thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Văn Đoái

 

 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới