Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh năm 2019

         Ngày 17/01/2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2019 có 65 đại biểu tham dự đại diện cho các Sở, ban ngành tỉnh, một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đại diện UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thị xã, thành phố và Trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Chủ trì Hội nghị do đồng chí Phạm Minh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

 
Đồng chí Phạm Minh Truyền – Giám đốc Sở phát biểu chỉ đạo Hội nghị

         Năm 2019, ngành Nông nghiệp và PTNT gặp triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: (1) Dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 97 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố; (2) Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan xảy ra bất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp; (3) Thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh làm ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất; (4) Những yếu kém nội tại về sản xuất manh mún, phân tán, mặc dù từng bước khắc phục nhưng chưa đáp ứng của việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường... Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó và đưa ra các giải pháp khắc phục, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương; cùng với sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhờ đó mà hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch triển khai thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch được giao: Tốc độ tăng tăng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 2,87% so với năm 2018 (vượt 0,39% so với KH), trong đó: Nông nghiệp tăng 1,51%, lâm nghiệp tăng 0,15%, thủy sản tăng 5,52%; các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch 28,57% và tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch vượt kế hoạch gần 6%. Riêng tỷ lệ che phủ rừng mới đạt 91,39% kế hoạch do thiếu vốn đầu tư và định mức trồng rừng tăng, cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:

          - Trong lĩnh vực trồng trọt tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện, tiềm năng của từng địa phương; duy trì và phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng ngừa sâu bệnh nên năng suất, chất lượng và sản lượng các loại cây trồng đều gia tăng so với cùng kỳ; tổng sản lượng lúa đạt 1,25 triệu tấn, chỉ thấp hơn cùng kỳ khoảng 5 ngàn tấn; sản lượng màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt gần 1,4 triệu tấn, cây ăn quả đạt hơn 267 ngàn tấn, dừa đạt 296 ngàn tấn; trong năm tiếp tục chuyển đổi 2.371 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và kết hợp hoặc chuyên nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn 1,5 đến 3 lần.

         - Trong chăn nuôi: Mặt dù gặp nhiều khó khăn do dịch tả heo Châu Phi bùng phát và lây lan nhanh, bệnh lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm có phát sinh. Nhưng ngành cũng đã tập trung chỉ đạo đã có sự chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn; cải tiến chất lượng con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi và kỹ thuật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ và điều kiện sản xuất của từng địa phương; từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp sản phẩm an toàn. Nhờ đó, chăn nuôi bò, dê, gia cầm đều tăng, cụ thể: Đàn gia cầm phát triển tốt đạt 7,51 triệu con, tăng 2,62 triệu con; đàn trâu, bò 211.243 con, tăng 1.950 con; dê 20.059 con, tăng 668 con, đàn heo đạt 192.925 con giảm 22,38% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt các loại đạt 74,64 ngàn tấn, đạt 93,31% kế hoạch; sản lượng trứng các loại từ 87,322 triệu quả năm 2018 lên 89 triệu quả năm 2019.

         - Trong lĩnh vực thủy sản: Phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng và khai thác; ngành đã đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại thủy sản và triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển thủy sản, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giám sát và kiểm soát dịch bệnh, chuyển đổi mạnh hình thức nuôi, nhất là diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tăng đáng kể kết hợp với chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng các loại thủy sản nuôi, đồng thời, do thời tiết và ngư trường thuận lợi nên khai thác tăng trưởng khá. Nhờ đó, mà tổng sản lượng cả năm đạt trên 219,64 ngàn tấn vượt 0,75% kế hoạch, tăng hơn 19 ngàn tấn so cùng kỳ.

         - Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Diện tích rừng phòng hộ tiếp tục được giữ vững, đã tập trung triển khai trồng rừng và trồng cây phân tán góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 3,93%.

         - Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới: Huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách hiệu quả, đặc biệt là người dân hưởng ứng rất tích cực nên đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, trong năm đã huy động hơn 300 tỷ đồng triển khai thực hiện triển khai thực hiện các công trình cơ bản và hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2019, là năm có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất có tới 18 xã, nâng tổng số có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 67,05% tổng số xã toàn tỉnh; bình quân mỗi xã đạt 16,86 tiêu chí, tăng 2,16 tiêu chí so với cùng kỳ, 80,9% hộ và 54,7% ấp đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đã có 02 huyện (Cầu Kè và Tiểu Cần) đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

         Ngoài ra, Ngành cũng đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, nước sạch đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh cơ bản đạt yêu cầu; nhiều chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được thực hiện đã phát huy hiệu quả; từng bước củng cố và phát triển được các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX NN kiểu mới. Đầu tư công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành nông nghiệp thực hiện có sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của tỉnh.

         Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thiếu bền vững; ỷ lệ che phủ rừng thực hiện chưa đạt so với kế hoạch; Công tác phòng, chống dịch bệnh ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các kỹ thuật canh tác bền vững vào sản xuất còn ít; Sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu chưa nhiều; Chất lượng các sản phẩm nông sản chưa đồng điều; Chưa có nhiều loại nông thủy sản hàng hóa thế mạnh hình thành chuỗi giá trị ngành hàng hoàn chỉnh; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả; Các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực hiện còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; Một số hạng mục công trình triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ đề ra, giải ngân vốn còn chậm; Xây dựng nông thôn mới tuy thực hiện vượt kế hoạch nhưng chất lượng các tiêu chí chưa được nâng lên, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp và chịu nhiều rủi ro.

         Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Truyền –Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2020, cụ thể như sau:

         Năm 2020năm có ý nghĩa quan trọng quyết định kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành đã xác định: “Xây dựng nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Đây là mục tiêu quan trọng đòi hỏi sự nổi lực, quyết tâm của toàn ngành, sự hỗ trợ đắc lực của các ngành, các cấp và phải có sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cùng nhau phối hợp thực hiện mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

         Tuy nhiên, theo dự báo chung cho thấy năm 2020 ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như: Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ gây nên hạn hán, thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt, xâm nhập mặn sẽ tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi cần có thời gian dài để xử lý; Thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản chính thiếu ổn định làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và thu nhập của nông dân và những yếu kém nội tại của ngành chậm khắc phục; Chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp, nên năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế; Đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn nhiều khó khăn là những trở ngại trong thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của tỉnh… Trước những khó khăn, thách thức trên, đòi hỏi vừa phải có những giải pháp ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài và nỗ lực to lớn của toàn ngành nông nghiệp.

         Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành năm 2020

         - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3% so với năm 2019, trong đó: Nông nghiệp tăng 1,29%; lâm nghiệp tăng 1,54%; thủy sản tăng 6,14%.

         - Một số sản phẩm chủ yếu:

         + Trồng trọt: Lúa cả năm 223,4 ngàn ha, sản lượng 1,25 triệu tấn; Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 55,05 ngàn ha, tổng sản lượng 1,4 triệu tấn; Cây lâu năm: Dừa 292,5 ngàn tấn, cây ăn trái 267 ngàn tấn.

         + Chăn nuôi: Đàn heo 320 ngàn con, đàn trâu bò 220 ngàn con, đàn gia cầm 6 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại 78 ngàn tấn.

         + Thủy sản: Tổng sản lượng 232,7 ngàn tấn, trong đó: Sản lượng khai thác 85,7 ngàn tấn, sản lượng nuôi 147 ngàn tấn.

         - Có thêm 13 đạt 19/19 tiêu chí, nâng tổng số toàn tỉnh có từ 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 82,35% tổng số xã, bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí.

        - Chỉ tiêu về môi trường: (1) Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 99% (nước sạch 68%); (2) Tỷ lệ che phủ rừng 4,012% diện tích tự nhiên.

         Để đảm bảo đạt được kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt với các Sở, ban ngành tỉnh và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

         - Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp bảo đảm đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, liên kết sản xuất gắn với hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất (thấp nhất là 3%); quan tâm phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực đạt chuẩn. Rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

         - Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; đặc biệt tập trung quản lý, kiểm soát được dịch tả heo Châu Phi, chủ động định hướng hỗ trợ nhân dân tái đàn và phát triển đàn vật nuôi thay thế đàn heo. Phát triển thủy sản ở 03 vùng nước mặn, lợ, ngọt; nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao, đảm bảo ATVSTP được truy suất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, bảo đảm môi trường, đặc biệt là con tôm vùng nước mặn, lợ. Phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, đảm bảo các quy định theo Luật Thủy sản; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển diện tích trồng rừng tập trung để góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. 

         - Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

­          - Đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu được xem đây là khâu đột phá để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

          - Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, quan trắc cảnh báo môi trường, dự tính, dự báo tình hình sâu, dịch bệnh để triển khai thực hiện các biện pháp giúp người sản xuất chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra; tăng cường hoạt động của các Tổ công tác của ngành trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh, hạn mặn kịp thời, hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu.

         - Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn để hạn chế tối đa các trường hợp hàng gian, hàng giả kém chất lượng gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng.

         - Củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại và hình thành các mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Triển khai thực hiện đồng bộ 13 mô hình HTX NN kiểu mới đạt chuẩn để làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới.

         - Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đặc biệt là các đơn vị xã, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt thấp, không bền vững; tập trung các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, phấn đấu cuối năm 2020 có 70/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 1 - 2 xã kiểu mẫu), không còn xã đạt dưới 14 tiêu chí: 80% trở lên hộ và 65% trở lên ấp đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Càng Long đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

         - Tham mưu xây dựng và trình ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách hiện hành của trung ương hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị…

         - Triển khai thực hiện nhanh các dự án thủy lợi, đặc biệt là dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển để phục vụ cho sản xuất và bảo vệ đời sống dân sinh; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

          - Kịp thời Tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành theo Thông báo số 442-TB/TU ngày 16/12/2019 của Tỉnh ủy về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội Nghị lần thứ 19 Tỉnh ủy khóa X; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02/01/2020.

                                               

Đoàn Minh - Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới