Hội thảo: Mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa
Ngày 9 tháng 12 năm 2019, tại hội trường UBND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh tổ chức hội thảo tổng kết Dự án xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và  áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Tây Ninh, Bạc Liêu;  Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, các doanh nghiệp cùng 120  nông dân trong tỉnh, các phóng viên báo đài tham dự và đưa tin.

Bà Nguyễn Ngọc Hài – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo

Tại buổi hội thảo, các đại biểu được thăm quan mô hình sản xuất lúa theo SRI áp dụng cấy máy, máy sạ khóm tại ấp Hòa Lạc C, xã Lương Hòa A với qui mô 72 ha/80 hộ tham gia.

Các đại biểu tham quan ruộng lúa

Chủ nhiệm dự án đã báo cáo tóm tắt kết quả dự án xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam thực hiện trong 3 năm tại 7 tỉnh: Tổ chức 36 lớp tập huấn/ 1.526 nông dân tham gia mô hình, 40 lớp TOT/1.314 học viên; 20 cuộc hội thảo/1,531 đại biểu; 18 cuộc hội nghị tổng kết/1.362 đại biểu; 21 bảng pano tuyên truyền; 58 tin bài trên báo, đài Phát thanh và Truyền hình; hỗ trợ 22 máy cấy lúa, 160 bình phun động cơ; xây dựng 21 tổ liên kết sản xuất ký kết với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo;  thực hiện trình diễn 1.032 ha mô hình cánh đồng lớn thâm canh và  áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa: bình quân  trên 1 ha giảm giống 122kg, đạm 23,9 kg, lân 8,5 kg, kali 11,5 kg, thuốc bảo vệ thực vật 2,5 lần phun, năng suất lúa tăng 0,55 tấn, tương ứng hiệu quả kinh tế tăng 48,3% (4,34 triệu đồng)

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh báo cáo kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa theo SRI tại Trà Vinh trong vụ Thu Đông năm 2019 đạt năng suất bình quân 6,6 tấn/ha, lợi nhuận 16 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà đạt 5,6 tấn/ha, lợi nhuận 9,2 triệu đồng/ha. Nhờ áp dụng qui trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); áp dụng cơ giới hóa gieo cấy,  phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy; bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước ngập – khô xen kẻ. Từ đó, lúa trong mô hình không bị đỗ ngã, tỷ lệ chồi hữu hiệu và tỷ lệ hạt chắc/bông cao. Ngoài ra, nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua lúa gạo để đảm bảo lợi nhuận.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đều đánh giá rất cao về hiệu quả của dự án, mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; chia sẽ kinh nghiệm triển khai, nhân rộng mô hình trong thời gian tới; đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa.

Mô hình cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ứng dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác và lựa chọn áp dụng cơ giới hòa phù hợp trong sản xuất lúa trên cánh đồng lớn để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trương Văn Thương
Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh
1 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới