Trà Vinh đối phó với rầy nâu
ND - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, trong 20 ngày qua, tình hình rầy nâu trên đồng lúa của tỉnh tăng đột biến và có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Do giá lúa tăng mà người trồng lúa gần như đã quên mất những thiệt hại và vất vả thế nào khi họ phải đối mặt dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá mới vừa diễn ra cách đây hai năm. Họ tranh thủ thời gian sản xuất liên vụ lúa trong năm, gần như quên mất các biện pháp kỹ thuật: xuống giống đồng loạt, né rầy... Do đó, rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đã quay trở lại, và nguy cơ bùng phát thành dịch là khó tránh khỏi.

Hiện nay, trên đồng ruộng tỉnh Trà Vinh tồn tại ba trà lúa tiềm ẩn nguy cơ bị dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Trong tổng diện tích lúa hè thu đã xuống giống 82.892 ha, hiện có 21.074 ha thu hoạch xong năng suất hơn 5 tấn/ha; hơn 45.000 ha giai đoạn trỗ - chín đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của rầy nâu; chỉ còn khoảng 12.000 ha đang giai đoạn đòng - trỗ có thể bị ảnh hưởng của rầy nâu.

Ðáng lo ngại là hiện có hơn 10.000 ha lúa thu đông sớm trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh và 450 ha mạ lúa mùa cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt trước nguy cơ dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá bộc phát. Theo dự báo, trong tháng 8, nông dân trong tỉnh sẽ còn tiếp tục xuống giống khoảng 50.000 ha lúa thu đông. Nên rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá phát triển là rất cao. Nếu không kịp thời dập dịch thì sẽ tiếp tục đe dọa cho vụ lúa đông xuân 2008-2009.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, trong 20 ngày qua, tình hình rầy nâu trên đồng lúa của tỉnh tăng đột biến và có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Tổng diện tích nhiễm rầy nâu lên hơn 31.500 ha, và phát triển trên diện rộng ở bốn huyện Cầu Kè, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành. Trong đó có hơn 11.500 ha nhiễm rầy nặng với mật số hơn 3.000 con/m2.

Trước tình hình này, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ gần 5 tấn thuốc trừ rầy để cho nông dân ở các xã có mật độ rầy cao trên diện rộng phun xịt trên diện tích 2.411 ha. Tập trung nhiều là ở các huyện Cầu Kè 1.543 ha, Châu Thành 478 ha, Cầu Ngang 300 ha, Trà Cú 90 ha.

Ngoài ra, ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu các xã còn lại đã vận động nông dân tự phun thuốc trừ rầy trên diện tích 22.565 ha. Ðánh giá mức độ hiệu quả của việc phun thuốc trừ rầy đợt này, Chi Cục bảo vệ thực vật Trà Vinh cho biết: Ở những cánh đồng được Nhà nước hỗ trợ thuốc đạt từ 70 đến 80%, do có sự trực tiếp hướng dẫn, giám sát của ban chỉ đạo huyện, xã; ở những nơi dân tự phun xịt chỉ đạt khoảng 60 đến 70%, thậm chí có ruộng chỉ đạt 30 đến 40%, do lúa đã lớn, sạ dày, phun không đúng kỹ thuật. Theo khảo sát của Chi Cục bảo vệ thực vật, ngoài đồng rầy đang di trú trên lúa thu đông sớm và mạ mùa với mật số trung bình từ 500 con đến 2.000 con/m2; nhiều nơi lên đến 4.000 con/m2 như ở các xã Vinh Kim, Kim Hòa và Mỹ Hòa của huyện Cầu Ngang.

Tại các bẫy đèn, rầy vào đèn từ 50 nghìn đến 100 nghìn con/bẫy/đêm. Qua phân tích cho thấy tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tại xã Ðại An, huyện Trà Cú lên đến 80%; tỷ lệ này tại các xã Long Sơn và Vinh Kim huyện Cầu Ngang là 60%. Ðồng thời, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa đã xuất hiện trở lại, diện tích bị nhiễm hơn 100 ha, chủ yếu trên lúa thu đông của huyện Càng Long, Tiểu Cần và có chiều hướng lan sang huyện Cầu Kè.

Từ thực tế tình hình các trà lúa bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và phân tích tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh, Ban Chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tỉnh đã đưa ra dự báo bệnh có nhiều nguy cơ phát triển trong những ngày đầu tháng 8. Cụ thể, hơn 12.081 ha lúa hè thu đang giai đoạn đòng - trỗ ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành có khả năng bị thiệt hại do rầy nâu. 7.682 ha lúa thu đông xuống giống không đúng lịch thời vụ trong tổng số 10.251 ha lúa thu đông đã xuống giống đợt đầu ở các huyện Càng Long, Cầu Kè; 371 ha mạ lúa mùa ở các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và khoảng 500 ha vùng lúa - tôm ở huyện Cầu Ngang có khả năng bị cháy rầy và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Ông Trần Khiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ở Trà Vinh, cấp tỉnh hình thành hai Ban chỉ đạo, gồm ban chỉ đạo tỉnh và ban chỉ đạo của ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn củng cố lại ban chỉ đạo, bổ sung thêm thành viên để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Theo ông Trần Khiêu, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là điều kiện tiên quyết để dập tắt dịch rầy nâu. Cụ thể là phải đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, phát động, tập huấn làm cho người dân thấy rõ tác hại của dịch bệnh và biết các biện pháp phòng, trị tốt. Cán bộ kỹ thuật phải hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật; giúp dân biết cách quản lý và chăm sóc trà lúa. Nhà nước cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo đúng các quy định của Chính phủ... Mục tiêu của tháng hành động phòng, chống dịch cần phải được thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo các cấp, người trồng lúa. Có như vậy, các biện pháp phòng trừ mới được triển khai đồng bộ và quyết liệt, ngăn chặn triệt để sự lây lan của rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên các trà lúa.

Ðặng Văn Bường
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới