Trà Vinh phát triên và nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi trâu, bò
Ngày 18/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển và nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi trâu, bò cao sản tại Trà Vinh.

Đại biểu dự hội thảo

Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, theo Cục Thống kê tỉnh, đến 1/4/2017, tổng đàn trâu của tỉnh chỉ còn 764 con, do tình hình chăn nuôi trâu không còn phát triển, số lượng giảm dần qua từng năm. Nguyên nhân là hiệu quả kinh tế thấp do thời gian nuôi kéo dài, trong khi đó, hiện nay hầu hết diện tích đất trồng lúa đều sử dụng cơ giới hoá  nên không còn dùng sức trâu để cày kéo, từ đó môi trường nuôi bị thu hẹp. Riêng đàn bò, toàn tỉnh có tổng đàn gần 200.000 con tập trung chủ yếu ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Càng Long và Tiểu Cần.

Tuy địa phương là một trong những tỉnh có tổng đàn bò đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng việc phát triển đàn bò nuôi vẫn còn nhiều bất cập. Đa phần các hộ muôi ở hình thức nhỏ, lẻ nên việc ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế, năng suất chưa cao, sản phẩm thiếu cạnh tranh trên thị trường... Trong chiến lược tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh, việc chọn lựa giống vật nuôi mang tính quyết định, được xem là khâu then chốt của cả quá trình chuyển đổi. Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo là tiền đề để nâng cao chất lượng đàn giống trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, khoảng 75% đàn bò cái trong tỉnh được thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo, với nhu cầu tinh đông lạnh khoảng 80.000-100.000 liều/năm. Ưu điểm của thụ tinh nhân tạo là tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, khắc phục chênh lệch về tầm vóc, khối lượng, tránh được các bệnh truyền nhiễm qua đường phối giống tự nhiên nên người chăn nuôi áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo ngày càng nhiều. Ngoài ra, thụ tinh nhân tạo còn giúp công tác quản lý nhà nước về con giống được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, bên cạnh 121 cơ sở nuôi 170 bò đực giống để phối giống trực tiếp, hiện trong tỉnh có 5 đại lý kinh doanh tinh bò đông lạnh với trên 100 dẫn tinh viên có tay nghề cao.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, hiện nay, người dân thường nuôi các giống phổ biến như: Sindhi, Brahman, Charolais, Angus, Droughtmaster… Tỷ lệ bò lai bò ngoại đạt khoảng 95% tổng đàn. Một trong những lo lắng hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh là giống cái nền Brahman ngày càng ít được người dân sử dụng. Tuy ngành nông nghiệp tỉnh định hướng và khuyến cáo người nuôi chọn giống Brahman làm cái nền nhưng do giá bò thịt thương phẩm giống Charolais thường ở mức cao nên người dân bất chấp khuyến cáo, sử dụng giống bò Charolais ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Viết Thoan, Giám đốc Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi miền Nam phát biểu tại hội thảo

         Tại hội thảo, các đại biểu được Tiến sĩ Phạm Văn Tiềm, Phó Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương và ông Nguyễn Viết Thoan, Giám đốc Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi miền Nam giới thiệu một số nguồn giống gia súc chất lượng cao, quy trình sản xuất tinh hiện đại, cách chọn giống gia súc cao sản. Đồng thời các đại biểu cũng được chuyển giao một số công nghệ mới trong thụ tinh nhân tạo, cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình thụ tinh nhân tạo… nhằm giúp lai tạo và chuyển đổi đàn bò lai có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi./.
Thanh Hòa
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới