Chủ tịch tỉnh Trà Vinh chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Sáng ngày 27/5/2019, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, chủ trì Hội nghị phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh. Thành phần tham dự Hội nghị gồm: Các Sở, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; cán bộ thú y, phóng viên báo, đài,...

Ông Đồng Văn Lâm (giữa) tại Hội nghị bệnh DTLCP

         Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, huy động toàn bộ cơ quan ban ngành, đoàn thể các cấp và người dân vào cuộc. Đến nay, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và văn bản của Trung ương, tỉnh đã ban hành 28 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh DTLCP; tổ chức các hội nghị, cuộc họp triển khai, tuyên truyền, phổ biến tại tỉnh, huyện, xã; tập huấn 44 cuộc cho 1.194 lượt người tham dự; tọa đàm, tuyên truyền về bệnh DTLCP trên Đài Truyền hình Trà Vinh, Đài Phát thanh các địa phương, website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; soạn và cấp phát 26.000 bộ tài liệu; tuyên truyền đến hộ dân chăn nuôi, dán tài liệu tuyên truyền tại nơi công cộng (trụ sở ấp, khóm, bến đò,…); thành lập Đội Ứng phó nhanh ngăn chặn bệnh DTLCP, các Đoàn kiểm tra liên ngành, các Chốt kiểm dịch tại các trục lộ giao thông đường bộ, đường thủy,…; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, tiêm phòng vaccine các loại cho lợn,…
         Theo số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh thời điểm 01/10/2018, toàn tỉnh có 248.589 con lợn, số con xuất chuồng trong năm 2018 là 576.533 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 51,302 ngàn tấn, đứng đầu sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng hàng năm của tỉnh. Vì vậy, bảo vệ đàn lợn của tỉnh là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
         DTLCP không gây bệnh cho người, người tiêu dùng an tâm sử dụng thịt lợn an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
         Mặc dù, không gây bệnh cho gia súc khác (trâu, bò,dê,…) và gia cầm nhưng DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại rất lớn cho môi trường, kinh tế. Hiện tại, bệnh DTLCP chưa có vaccine để phòng hay thuốc để điều trị. Vì vậy, phòng bệnh DTLCP chủ yếu là áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi lợn.
         Thông tin tại Hội nghị, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 7 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh DTLCP, gồm: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và mới nhất là Sóc Trăng. Dự báo, bệnh DTLCP có thể còn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh.
        Trước tình hình trên, sau khi nghe các địa phương (huyện, xã), các Sở, ngành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo các giải pháp, phương án phòng, chống dịch, ông Đồng Văn Lâm đã chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm để hạn chế nguy cơ bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: (1) An toàn sinh học trong chăn nuôi, (2) Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và (3) Xử lý nhanh, kịp thời ổ dịch không để lây lan. 
         Để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm này, các ngành, các cấp, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền thật tốt, thật hiệu quả đến người dân, đặc biệt là những hộ chăn nuôi lợn hiểu, áp dụng chăn nuôi ATSH và phối hợp với địa phương, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; xây dựng kịch bản phương án xử lý cụ thể trong trường hợp chưa có dịch, trường hợp dịch xảy ra quy mô nhỏ, lẻ và trường hợp dịch xảy ra quy mô lớn. Phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, nhân lực, địa điểm xử lý lợn bệnh, chết, hướng dẫn kỹ thuật chôn, lấp. Củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Giám sát, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về diễn biến của bệnh, không đưa những thông tin sai sự thật, thổi phồng gây hoang mang cho người dân. Thực hiện tốt chế độ báo cáo dịch,…
        Cũng tại Hội nghị, một số vấn đề vướng mắc trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP được tháo gỡ, nhất là chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch; chính sách hỗ trợ người chăn nuôi sao cho người chăn nuôi có lợi nhất. Bên cạnh đó, ông Đồng Văn Lâm chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp nuôi mới, tái đàn lợn, tăng đàn gia súc (bò), gia cầm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh DTLCP gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho phù hợp./.

Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới