Hội thảo chia sẽ thông tin các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong EVFTA

         Ngày 17/11/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Vụ Hợp tác Quốc tế) phối hợp với Dự án “Hỗ trợ khu vực ASEAN của Liên minh Châu âu – Hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại cho Việt Nam (gọi tắt là ARISE+ Việt Nam) tổ chức Hội thảo chia sẽ thông tin về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu âu (EVFTA).

         Tham gia hội thảo gồm có đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNN, Ông Eduardo Austin chuyên gia phụ trách hợp phần SPS/ dự án ARISE+ Việt Nam, Ông Trần Việt Cường và Ông Arturo Ortiz là các chuyên gia SPS cùng các đại biểu đến từ các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm vùng 6.

Hội thảo chia sẽ thông tin về SPS diễn ra tại thành phố Cần Thơ

         Mục đích của Hội thảo là giúp các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan địa phương dễ dàng trong tiếp cận các quy định của EVFTA, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật trong Hiệp định.

         Nội dung trọng tâm của hội thảo là giới thiệu về chương 6 của Hiệp định EVFTA: các biện pháp SPS cũng như cách để tìm kiếm, tiếp cận thông tin về SPS tại Việt Nam. Theo đó, biện pháp SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures) được hiểu là toàn bộ các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh có nguồn gốc từ động thực vật. Nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý, các doanh nghiệp địa phương, có liên quan hiểu rõ các quy định SPS được nêu trong EVFTA, các chuyên gia thuộc dự án ARISE+ Việt Nam đã biên soạn và giới thiệu “Sổ tay các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong EVFTA

Sổ tay SPS

         Nội dung Sổ tay gồm có 7 phần: (1) Giới thiệu hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU; (2) Giới thiệu về Chương 6 - các biện pháp SPS; (3) Chi tiết các điều khoản trong Chương 6 SPS; (4) Tác động của EVFTA sau 2 năm thực hiện; (5) Câu hỏi thường gặp; (6) Kết Luận; (7) Bài học kinh nghiệm. Trong đó, Chương 6 của EVFTA hoàn toàn dành riêng cho các vấn đề SPS ảnh hưởng đến thương mại. Chương có tất cả 15 điều, bao gồm các chủ đề như phạm vi, mục tiêu, định nghĩa, cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu và thủ tục nhập khẩu, xác minh, danh sách cơ sở, biện pháp liên quan đến sức khỏe động vật và thực vật, tính tương đương, Ủy ban về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, minh bạch và trao đổi thông tin, tham vấn, các biện pháp khẩn cấp và hỗ trợ kỹ thuật.

         Đồng thời, các chuyên gia cũng giới thiệu một số trang Web có thể giúp tìm kiếm nhanh các thông tin về SPS của thị trường Châu âu như: như trang https://epingalert.org; https://food.ec.europa.eu; https://trade.ec.europa.eu; … các trang Web này thông qua công cụ Google dịch giúp người tìm kiếm dễ dàng tra cứu và hiểu được các thông tin về yêu cầu thị trường xuất khẩu một cách dễ dàng. 

Các trang web tìm kiếm

         Ngoài ra, hội thảo còn dành thời gian thảo luận và giúp các đại biểu tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tiếp cận và thực hiện các quy định SPS tại cơ quan, doanh nghiệp mình. Qua đó, các chuyên gia cũng lưu ý đối với những doanh nghiệp sản xuât, chế biến nông lâm thủy sản vừa và nhỏ khi có ý định xuất khẩu sang thị trường Châu âu trước tiên cần đảm bảo các yếu tố: (1) Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo theo yêu cầu theo EVFTA; (2) Khối lượng sản phẩm phải đủ lớn; (3) Việc cung cấp sản phẩm phải mang tính liên tục, đúng theo hợp đồng với nhà nhập khẩu; (4) Giá thành sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh với thị trường.

         Thông qua Hội thảo giúp trang bị cho các doanh nghiệp kiến thức về các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật trong Hiệp định EVFTA, cách để tiếp cận thông tin về các quy định của thị trường nhập khẩu. Qua đó giúp cho doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất và đáp ứng đúng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Riêng đối với các cơ quan quản lý tại địa phương, đây cũng là cơ sở để hướng dẫn các biện pháp SPS cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp các mặt hàng nông sản Việt Nam tận dụng được lợi thế cạnh tranh, gia tăng chuẩn loại và số lượng mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 500 triệu người tiêu dùng.

Trương Thanh Lai

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới