Chủ động ứng phó rủi ro trong canh tác lúa vụ Đông Xuân 2023-2024

         Cục Trồng trọt nhận định thông qua các cơ quan chuyên môn dự báo nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ gặp nhiều khó khăn, thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao hơn nhất là đối với các tỉnh ven biển. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Bản tin ngày 16/6/2023) cập nhập tình hình El Nino, dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho đếnn hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024, thời gian đỉnh điểm của hiện tượng El Nino có thể xảy ra trong 3 tháng (từ tháng 11/2023 đến tháng 01/2024): Nhiệt độ các tháng có xu hướng trung bình cao hơn, nắng nóng có thể nhiều và gay gắt hơn,... và thường gây thâm hụt lượng mưa với mức phổ biến từ 25-50 %; nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng dẫn đến hạn, thiếu nước, mặn xâm nhập từ thời điểm hiện tại cho đến những tháng đầu năm 2024.

         Để đảm bảo an toàn cho vụ sản xuất, chủ động hơn trong việc ứng phó với điều kiện bất lợi nêu trên, cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong canh tác:

        - Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Thu Đông trước khi xuống giống ít nhất 2 tuần: Xử lý rơm rạ với nhiều biện pháp được áp dụng hiện nay như thu gom; vùi trong đất; sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ giúp giảm khả năng ngộ độ hữu cơ cho cây lúa và cắt đứt nguồn ký chủ của sâu, bệnh trên đồng ruộng.

Ảnh: Làm đất

         - Vận động nông dân tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp (Tại Thông báo số 655/TB-SNN ngày 31/10/2023) và địa phương; thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy theo từng vùng, từng cánh đồng trên những địa phương có đặc thù riêng. Nhằm tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các khu vực xâm nhập mặn hàng năm.

         - Sử dụng giống lúa theo khuyến cáo của ngành, cấp giống xác nhận, có tiềm năng đáp ứng thị trường tiêu thụ, thích nghi rộng và có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Các địa phương cần chú trọng lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao và phục vụ xuất khẩu (giống đặc sản, lúa thơm, lúa hữu cơ) nhằm phát huy lợi thế của vùng. Khuyến khích pháp sạ hàng, sạ thưa; lượng giống gieo sạ từ 80-120 kg/ha.

         - Tăng cường tối đa nguồn lực cho công tác nạo vét các tuyến kênh mương chính, kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn. Cần thực hiện việc dự trữ nguồn nước trên hệ thống sông, kênh rạch hạn chế tháo bỏ nước ra bên ngoài. ng dụng tối đa các giải pháp tưới tiết kiệm nước; giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tùy vào điều kiện cụ thể cần đẩy mạnh áp dụng biện pháp tưới ngập-khô xen kẽ. Nên điều chỉnh lượng nước theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa; đảm bảo được việc quản lý cỏ dại, dịch hại và tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón.

         - Về phân bón cho cây lúa: cân đối dinh dưỡng và hợp lý giữa đạm, lân và kali; liều lượng sử dụng khuyến cáo nhằm tạo điều kiện cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng số chồi hữu hiệu. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong quá trình canh tác, sẽ giúp giảm lượng phân hóa học trong điều kiện giá phân bón vẫn còn cao, cần bổ sung thêm các sản phẩm có chứa Canxi và Silic giúp tăng cường sức khỏe cho cây lúa, giúp bộ lá đứng và cứng chắc hơn có tác dụng tăng khả năng quang hợp. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học và bổ sung các loại phân bón cung cấp qua lá để tăng khả năng chống chịu cho cây lúa với điều kiện bất lợi của thời tiết

Ảnh: Gieo sạ lúa

        Theo nhận định của Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn TBNN, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2,3/2024; trong khoảng thời gian này, hầu hết diện tích gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2023 -2024 đang vào giai đoạn tăng trưởng (khoảng 54.555 ha được gieo sạ tháng 12/2023, chiếm 97%), đây là diện tích được dự báo có khả năng ảnh hưởng rất lớn bởi hạn, mặn.

         Nhằm hạn chế tối đa tác hại do xâm nhập mặn, khô hạn và dịch bệnh trên cây ở mức độ thấp nhất; sau đây là một số biện pháp ứng phó:

        - Nhận diện một vài biểu hiện ngộ độc mặn của cây lúa:

         + Chóp lá lúa bị cháy: Do khi cây lúa hút nước mặn thải ra ở chóp lá sẽ đọng lại những độc chất Na(muối), dưới tác động của ánh nắng mặt trời sẽ làm cho lá lúa bị cháy từ chóp lá.

        + Độc chất Na trong đất và nước sẽ làm cho rễ cây lúa không hút được nước, dẫn tới không hút được đạm và kali, do đó khi bị ngộ độc mặn cây lúa sẽ thiếu đạm và kali.

        + Ở giai đoạn lúa trỗ, thấy 2 vỏ trấu có màu trắng, không có hạt do không thụ phấn được là biểu hiện cây lúa bị ngộ độc mặn.

        - Phòng ngừa ngộ độc mặn

        + Chủ động trong việc thực hiện Kế hoạch “ Phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023 -2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Tại Kế hoạch số 1016/KH-SNN ngày 10/10/2023).

        + Kiểm tra chặt chẽ và củng cố đê, bờ bao ngăn mặn, sớm khắc phục những đê, bờ bao ngăn mặn bị hư hại, hạn chế nước mặn sẽ xâm nhập vào nội đồng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

        + Thăm đồng thường xuyên kiểm tra độ mặn trong đất và nước để có các biện pháp xử lý kịp thời. Cần xác định độ trước khi gieo sạ nhằm hạn chế thiệt hại cho cây lúa ở các giai đoạn sinh trưởng. Nếu độ mặn còn ở mức 1 - 2‰ thì chưa nên xuống giống bởi vì khi hạt giống đang nảy mầm, độ mặn thì mầm lúa sẽ bị quăn lại và giai đoạn mạ cây lúa rất mẫn cảm với độ mặn (kiểm tra độ mặn dưới 1‰, pH ≥ 5,5  thì mới an toàn để tiến hành chuẩn bị cho việc gieo sạ). Trong giai đoạn lúa làm đòng - trỗ nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hạt lúa, ngộ độc mặn nặng sẽ dẫn đến thất thu. Biện pháp giải độc mặn cho cây lúa giai đoạn này là có thể theo dõi triều cường đưa nước ngọt vào ruộng lúa (nước mặn nặng và nằm ở tầng dưới, nước ngọt nằm ở tầng trên, lất nước ở tầng trên lên đo độ mặn, nếu độ mặn dưới 1 – 2‰ thì đưa máy bơm nước vào ruộng, khi triều cường lên lại đo độ mặn nếu độ mặn cao hơn thì ngừng đưa nước vào ruộng).

        + Nên đưa nước vào ngập ruộng từ 10-15cm và ngâm tối thiểu khoảng 5-7 ngày để độc chất mặn và phèn đi ra dung dịch đất rồi xả bỏ, tiếp tục đưa nước mới vào để rửa phèn-mặn, làm lặp lại 2- 3 lần trước khi gieo sạ sẽ giảm được thiệt hại do mặn, phèn gây ra.

         + Cần đánh rãnh thoát nước (ngang khoảng 20 cm và sâu khoảng 20 cm), rãnh cách nhau khoảng 5-6 m, giúp thoát nước rửa mặn, phèn, thu gom ốc bươu vàng hoặc cắt nước giữa vụ... được dễ dàng.

        + Chăm sóc sức khỏe cho cây lúa chú trọng việc bổ sung dinh dưỡng phù hợp trong điều kiện ruộng bị nhiễm mặn: Trên những chân ruộng bị phèn và mặn tốt nhất là bón vôi nung, liều lượng 50 - 100 kg/1.000 m2, khi làm đất bón vôi, đưa nước vào ruộng cho vôi hòa ra đẩy mặn đi sau đó tháo nước ra, sau đó đo độ mặn (nếu độ mặn dưới 1‰ thì mới an toàn để tiến hành chuẩn bị cho việc gieo sạ). Tăng cường phun phân bón lá có chất canxi, magiê, silic… để tăng sức đề kháng cho cây lúa; bón phân Kali sớm, nên sử dụng các sản phẩm phân bón qua lá có chứa N, P, K  hoặc dạng phân bón qua lá có chứa hàm lượng hữu cơ cao K-humat, Humic,…giúp gia tăng khả năng chóng chịu của cây lúa.

         - Quản lý cỏ dại: Cần vệ sinh cỏ dại xung quanh bờ trước khi gieo sạ; giảm nguồn lây lan của dịch bệnh và nơi cư trú của chuột; sử dụng giống sạch hạt cỏ (giống cấp nguyên chủng, cấp xác nhận,...) hạn chế nguồn hạt cỏ lây lan trong ruộng. Sử dụng thuốc hóa học trừ cỏ tùy theo đặc thù cỏ dại trên ruộng mà có thể lựa chọn các sản phẩm thuốc trừ cỏ dạng tiền nẩy mầm hay hậu nẩy mầm để diệt cỏ dại cho phù hợp. Đặc biệt, việc phòng trừ lúa cỏ trên ruộng lúa hiện nay.

         - Phòng trừ sâu bệnh:

         Để quản lý và phòng trừ các dịch hại cho vụ lúa Đông Xuân một số điểm nên lưu ý:

         + Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ, ưu tiên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong quá trình canh tác các giải pháp phòng trừ sinh học trên cây lúa;

         + Nên thăm đồng thường xuyên, phát hiện dịch hại sớm, tiến hành phòng trừ khi đến ngưỡng và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

         + Không nên bón quá nhiều phân đạm gây hiện tượng lúa bị lốp, đổ ngã, dễ bị sâu bệnh gây hại do thừa đạm trong cây.

         + Theo dõi các bản tin dự báo tình hình sâu bệnh hại của vùng hoặc ứng dụng “Mekong RYNAN” tình hình dịch hại thông qua bẫy côn trùng thông minh, để có biện pháp xử lý dịch hại kịp thời. 

         Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về tác động của El Nino gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn; các giải pháp đối phó để người dân chủ động ứng phó kịp thời giảm thiểu thiệt hại, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trên cây lúa trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.

         * Lưu ý:

          - Khi sử dụng thuốc BVTVphải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”;

          - Các hoạt chất thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV do Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành được phép sử dụng ở Việt Nam. 

 

Th.S. Nguyễn Thị Lùng

                                                                      Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới